1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Xâm nhập mặn ngày càng đáng báo động"

Thế Kha

(Dân trí) - Xâm nhập mặn đã trở thành một vấn đề ngày càng đáng báo động mà người dân vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long, phải đối mặt.

Nhận định đó được nêu trong Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023) vừa công bố.

Khảo sát của PAPI 2023 được thực hiện từ tháng 8-11/2023 khẳng định, một trong những tác động đáng lo ngại nhất của biến đổi khí hậu là tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Xâm nhập mặn trong khu vực này là hệ quả của một số nguyên nhân, bao gồm hạn hán, mực nước biển dâng cao và việc xây dựng đập ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Xâm nhập mặn ngày càng đáng báo động - 1

Tỷ lệ người dân (tham gia khảo sát) cho biết đã xảy ra xâm nhập mặn ở các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2023 (Nguồn: PAPI 2023).

Theo báo cáo PAPI 2023, người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phản ánh tình trạng đồng ruộng bị nhiễm mặn đang diễn ra ở nơi họ sinh sống tăng hơn gấp đôi, từ 4,7% năm 2021 lên 12,1% năm 2022 và tiếp tục tăng nhẹ lên 12,9% năm 2023.

Hơn 41% số người trả lời khảo sát PAPI ở các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang cho rằng tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra ở địa phương của họ trong năm 2023.

Tỷ lệ này ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An và Vĩnh Long gia tăng mạnh qua 3 năm.

PAPI 2023 dẫn một báo cáo nghiên cứu khoa học cho thấy những điều trên phù hợp với thực tế.

Cụ thể, Bến Tre, Kiên Giang và Trà Vinh là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn. Các phát hiện qua khảo sát của PAPI có thể khác với kết quả quan trắc do địa bàn khảo sát có điều kiện sinh thái khác so với các địa bàn có thể bị ảnh hưởng.

"Các huyện ở tỉnh Bến Tre có trong mẫu khảo sát của PAPI có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nhiều hơn so với các huyện được chọn ở tỉnh khác trong vùng.

Mặc dù vậy, tỷ lệ người dân nhận diện tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra tại địa phương gia tăng qua thời gian cho thấy hiện tượng này đang ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của nông dân địa phương như thế nào", báo cáo PAPI 2023 nhận định.

Xâm nhập mặn ngày càng đáng báo động - 2

Xâm nhập mặn đã trở thành một vấn đề ngày càng đáng báo động mà người dân vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long, phải đối mặt (Ảnh: Nguyễn Hành).

Năm nay còn nhiều đợt xâm nhập mặn

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), nói từ đầu mùa khô đến nay ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao.

Qua theo dõi của cơ quan này, xâm nhập mặn năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và của năm 2023. Xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8-13/3 vào sâu 40-66km. Tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã vào sâu tới 70-76km tùy theo sông. 

Lãnh đạo cơ quan dự báo khí tượng phản ánh, các kênh rạch một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh nam sông Hậu. Điều này có thể gây bất lợi đối với sản xuất lúa.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đó được xác định do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino. Vì thế, từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không mưa (hụt chuẩn từ 60-95%), ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi.

Đáng lo ngại hơn, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công chảy về khu vực ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Xâm nhập mặn ngày càng đáng báo động - 3

Cảnh cánh đồng lúa ở tỉnh Sóc Trăng trong tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trầm trọng. (Ảnh: Nguyễn Hành).

Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ đã cảnh báo sớm khu vực nào ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động để cung cấp thông tin sớm nhất có thể tới người dân và chính quyền sở tại. Các bản tin dự báo xâm nhập mặn với tần suất 10 ngày/bản tin, dự báo độ mặn cao nhất đến từng điểm quan trắc.

Ông Hoàng Văn Đại dự báo, từ nay đến cuối mùa hạn mặn năm 2024 lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và sẽ còn khoảng 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ 8-14/4, 23-28/4, 6-12/5). Các tỉnh bị tác động nhiều nhất gồm Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau.

Đề xuất nhiều giải pháp

Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường) nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh thành chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Sản lượng nông nghiệp của vùng này chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản khoảng trên 70% so với cả nước.

Mặc dù có những lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, người dân nơi đây phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như lũ lụt, ngập úng, hạn hán và xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt đất…

Xâm nhập mặn ngày càng đáng báo động - 4

Tiến sĩ Tô Văn Trường (Ảnh: Bộ TN-MT).

Theo ông Trường, những năm gần đây, xâm nhập mặn còn phụ thuộc vào việc xả nước sớm, muộn, nhiều hay ít ở các thủy điện thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông.

Đến thời điểm hiện nay, theo ông Trường, có thể khẳng định các nhận định dự báo trước đây về xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến của thực tế.

Nhiều giải pháp về việc hoàn thiện, khép kín các hệ thống thủy lợi để gia tăng khả năng trữ nước, đầu tư các công trình chuyển nước ngọt bổ sung, đặc biệt là tiểu vùng II, III bắc Cà Mau đang được nghiên cứu đề xuất.

Vị chuyên gia khẳng định, nguồn nước, xâm nhập mặn trong khu vực đã có nhiều khác biệt so với quá khứ và không thể đảo ngược do nhiều yếu tố tác động. Do vậy, hệ thống công trình thủy lợi và các giải pháp kiểm soát nguồn nước trong quá khứ không còn phù hợp với hiện tại.

Để giải quyết vấn đề, trước mắt theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, các đơn vị liên quan cần tiếp tục tăng cường giải pháp chủ động cấp nước cho các vùng xa nguồn ngọt (tích nước tại chỗ, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, các trạm bơm), nạo vét hệ thống chuyển nước, tăng cường sử dụng nước mưa; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước.

Về lâu dài, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần xem xét tiếp tục nghiên cứu việc kiểm soát các cửa sông lớn (sông Cửu Long và các sông nội địa) để kiểm soát nguồn nước ngọt, khống chế ranh mặn hợp lý, kết hợp chống ngập và hạn chế các thiên tai khác từ biển (sóng thần, nước dâng do bão…).

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp cần thiết, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

"Kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng", công điện nêu rõ.