1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cứu cây xanh bằng cách trồng dựng lại, truyền dưỡng chất có khả thi?

Hải Nam

(Dân trí) - Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, hoạt động truyền dưỡng chất chỉ mang tính hỗ trợ, không nên hy vọng truyền vào rồi "cây đổ có thể sống lại".

Bão Yagi đã khiến hơn 40.000 cây xanh ở TP Hà Nội bị gãy đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ, cây mang tính "biểu tượng" của thủ đô.

Sau đó, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với các địa phương tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy để đảm bảo an toàn giao thông; dựng lại cây hoặc trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi gỗ, củi theo quy định.

Từ đó, khái niệm cứu cây được nhắc đến.

Chia sẻ về khái niệm này, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp), cho rằng cụm từ này đang bị hiểu sai.

"Không thể nói là cứu cây được. Cây cũng có tuổi đời, càng cổ thụ thì các bộ phận sinh trưởng càng yếu, và yếu từ rễ lên. Cây cổ thụ đổ, mà lại đào hố trồng lại không khác gì ngâm cây vào chậu nước, không thể sống được", ông Hà nói và cho biết muốn cứu cây phải đưa đi vườn ươm.

Cứu cây xanh bằng cách trồng dựng lại, truyền dưỡng chất có khả thi? - 1

PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo vị tiến sĩ, khi trồng mới, cây phải được bọc rễ, tưới nước thường xuyên. Do đó, ông đặt câu hỏi với những cây bị đổ rồi dựng lên chống lại, ai sẽ tưới nước cho nó? và ai giám sát hoạt động này?.

"Tôi thấy rằng, thời tiết hiện nay rất thất thường, với sự chênh lệch nhiệt độ và mực nước ngầm cao, bộ rễ của cây rất dễ bị ảnh hưởng", ông Hà chia sẻ.

Đối với cây đã bị gãy, đổ, bật gốc, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị cho biết hầu hết rễ đã bị đứt, phần còn lại bị dập gẫy. Khi nâng lên, cắm lại xuống, rễ sẽ dập lần nữa. Do đó, sức khỏe của cây càng yếu đi.

Nếu đất khô ráo, thời tiết thuận lợi, ít nhất một tháng sau cây mới ra rễ mới.

Cứu cây xanh bằng cách trồng dựng lại, truyền dưỡng chất có khả thi? - 2

Các cây xanh bị gãy đổ do bão Yagi được dựng lại đã được truyền những túi dưỡng chất vào thân cây để nhanh phục hồi (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trước hoạt động truyền dưỡng chất cứu cây xanh của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng, ông Hà cho biết thứ được truyền vào cây thực chất là phân bón.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định hoạt động này chỉ mang tính hỗ trợ, không nên lạm dụng mà hy vọng truyền vào rồi "cây đổ có thể sống lại".

"Phương pháp này chỉ dùng cho cây cổ thụ, già yếu, truyền thêm dưỡng chất để cây khỏe hơn", Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị nói.