Cuộc "xâm lăng" của rác thải nhựa trên các rạn san hô

Nguyễn Hoàng

(Dân trí) - Rác thải nhựa đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các rạn san hô dưới lòng đại dương, vốn đã bị tàn phá do biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức.

Không có nơi nào trên hành tinh không có rác thải nhựa và các rạn san hô cũng không ngoại lệ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, càng nằm ở sâu dưới đại dương thì các rạn san hô càng có nhiều rác thải nhựa.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, mọi rạn san hô đều không chỉ chứa đầy rác thải nhựa mà còn có nhiều các dụng cụ câu cá như dây thừng, dây câu, lưới... Giấy gói thực phẩm và chai nhựa cũng rất phổ biến.

Cuộc xâm lăng của rác thải nhựa trên các rạn san hô - 1

Các nhà nghiên cứu cho biết, rác thải nhựa đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các rạn san hô, vốn đã bị tàn phá do biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức.

Thực hiện cuộc nghiên cứu "Ô nhiễm nhựa trên các rạn san hô của thế giới", các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra 85 rạn san hô tại hơn 20 địa điểm (bao gồm các đảo san hô không có người ở và các rạn san hô ở độ sâu 150m dưới mặt nước biển) trên khắp Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. 

Các nhà khoa học đã sử dụng những thiết bị lặn đặc biệt để khảo sát các khu vực "mesophotic", hay còn gọi là "vùng khơi đại dương" (là khu vực của đại dương nằm ngoài thềm lục địa, nơi độ sâu của nước giảm xuống dưới 200m) và phát hiện ra các địa điểm ở vùng nước sâu có nhiều rác thải nhựa hơn vùng nước nông.

Luiz Rocha, đồng Giám đốc của dự án Hope for Reefs tại Học viện Khoa học California, cho biết: "Thật ngạc nhiên khi thấy khối lượng các mảnh rác thải nhựa tăng lên theo độ sâu, vì các rạn san hô sâu hơn thường nằm xa nguồn ô nhiễm nhựa hơn".

Cuộc xâm lăng của rác thải nhựa trên các rạn san hô - 2

Gần 3/4 các vật phẩm được tìm thấy là các loại dụng cụ câu, đánh bắt cá, cùng với bao bì nhựa và chai lọ (Ảnh: Luiz Rocha/Học viện Khoa học California).

"Rất khó khăn để tiếp cận được những rạn san hô ở độ sâu này, nhưng mỗi lần lặn chúng tôi đều gặp các loại rác thải do con người vứt ra", ông nói thêm.

Ô nhiễm nhựa càng nghiêm trọng hơn ở các rạn san hô gần các thành phố và khu chợ đông dân cư.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, nhựa có thể làm lây lan các loại bệnh cho san hô; dây và lưới đánh cá có thể làm hỏng cấu trúc của các rạn san hô và qua đó gây hại cho sự phong phú và đa dạng của sinh vật biển.

Comoros, một chuỗi đảo ngoài khơi bờ biển phía đông nam châu Phi, là địa điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất của rác thải nhựa, với gần 84.500 món đồ nhựa trên mỗi km vuông.

Nơi ít bị ô nhiễm nhất là Quần đảo Marshall, với khoảng 580 mảnh rác nhựa trên một km vuông.

Một trong những lý do giải thích cho việc tìm thấy nhiều nhựa hơn ở độ sâu lớn hơn là do tác động của sóng và sự nhiễu loạn trên bề mặt, có thể kéo các mảnh nhựa xuống sâu hơn. Một khả năng khác có thể là do các thợ lặn đã vứt rác thải trên các rạn san hô nông. San hô nông - với tốc độ tăng trưởng nhanh - mọc trùm lên trên các mảnh rác nhựa và đẩy chúng xuống sâu hơn.

Những nhà nghiên cứu khẳng định phát hiện của họ nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở rộng độ sâu của các khu bảo tồn biển để có thể khoanh vùng những rạn san hô "mesophotic", cập nhật các thỏa thuận quốc tế về chống nguồn ô nhiễm nhựa.

Theo amp.theguardian.com