1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Cuộc sống thay đổi của người Ơ Đu dưới tác động chính sách dân tộc

CTV Ban Mai

(Dân trí) - Đời sống của người Ơ Đu đã thay đổi rõ nhất trên phương diện chính trị và kinh tế khi thực hiện hương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam công bố năm 1979, dân tộc Ơ Đu đứng cuối cùng với dân số ít nhất. Hiện tại, Ơ Đu chỉ còn chưa đầy 400 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Hầu hết người Ơ Đu lại tập trung ở bản Văng Môn - một bản tái định cư ở xã Nga My, huyện Tương Dương. Suốt nhiều năm qua, với đặc thù là một dân tộc có dân số rất ít người, cộng đồng Ơ Đu luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Người Ơ Đu đã có bản riêng sau bao đời sống lạc lõng

Trên phương diện chính trị, sau hàng trăm năm sống xen kẽ trong các bản làng với các dân tộc khác như Thái, Khơ Mú, đến nay, nhờ vào chính sách tái định cư của Nhà nước mà người Ơ Đu đã có một bản riêng cho mình - bản Văng Môn.

Cuộc sống thay đổi của người Ơ Đu dưới tác động chính sách dân tộc - 1

Nhà tái định cư cho người Ơ Đu ở Văng Môn (Ảnh: Bùi Hào).

Có một bản riêng đồng nghĩa với rất nhiều thứ cần phải đi theo: có một bộ máy quản lý làng bản riêng, có các thiết chế văn hóa xã hội riêng, có một địa bàn cư trú riêng của tộc người mình. Từ đó hình thành các tổ chức theo hệ thống chính trị liên quan đến họ từ chi bộ, bộ máy quản lý bản, các hội nhóm…

Đời sống chính trị của người Ơ Đu cũng trở nên độc lập hơn, tiếng nói của người Ơ Đu được lắng nghe hơn, vị thế của dân tộc Ơ Đu cũng được nâng cao hơn.

Việc tập trung về một bản cũng tạo điều kiện để người dân được tham gia các sinh hoạt chính trị một cách đều đặn, đầy đủ và có hệ thống hơn. Qua các buổi sinh hoạt cũng nâng cao nhận thức của người dân về đời sống chính trị của đất nước, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, với hệ thống chính trị và những đường lối chính sách của Nhà nước.

Vị thế chính trị ngày một được cải thiện cũng giúp cho đồng bào có tiếng nói hơn trong cộng đồng địa phương. Qua đó góp phần để người dân chủ động tham gia đời sống chính trị, góp phần vào việc xây dựng quê hương, đất nước.

Những việc này trước đây họ rất khó thực hiện khi mà chỉ dăm ba hộ sinh sống rời rạc trong các bản người Thái, người Khơ Mú.

Như ông Lo Văn Bình, người Ơ Đu già nhất bản Văng Môn, nhận định: "Bao nhiêu đời nay, người Ơ Đu sống lạc lõng trong các bản Thái, Khơ Mú. Người Ơ Đu không có thiết chế xã hội hoàn thiện của một bản làng, phải tham gia vào thiết chế xã hội của dân tộc khác với tư cách là người thiểu số.

Do vậy, tiếng nói của người Ơ Đu cũng ít có giá trị. Từ khi về đây, có một bản riêng của người Ơ Đu, có chi bộ người Ơ Đu, có bộ máy quản lý bản của người Ơ Đu… Nó làm cho vị thế chính trị của chúng tôi tăng lên đáng kể".

Đời sống đồng bào được cải thiện 

Trên phương diện kinh tế, các chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần giúp cho người Ơ Đu tiếp cận với kinh tế thị trường một cách mạnh mẽ hơn. Qua đó góp phần giúp cho người dân cải thiện đời sống một cách nhanh chóng hơn.

Ban đầu, khi di cư đến Văng Môn, người Ơ Đu được hỗ trợ vận chuyển nhà cửa, trang thiết bị, đồ dùng, vật nuôi từ quê cũ đến quê mới. Khi đến nơi, họ được cấp công cụ sản xuất, cấp lợn giống để chăn nuôi, cấp cây giống như nhãn, vải để trồng trọt. Họ cũng được cấp đất, rừng để tiến hành sản xuất.

Cuộc sống thay đổi của người Ơ Đu dưới tác động chính sách dân tộc - 2

Một vườn keo mới thu hoạch và chuẩn bị tái sản xuất ở Văng Môn (Ảnh: Bùi Hào).

3 năm đầu, họ còn được cấp gạo để sinh sống. Sau đó, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế được thực hiện. Điều kiện sản xuất để mở rộng sinh kế của người dân cũng được cải thiện.

Bản được đầu tư 15 giếng khoan để cung cấp nguồn nước sinh hoạt, 20 khung cửi để phát triển nghề dệt may truyền thống. Về dự án chăn nuôi được đầu tư cho 77 chuồng bò hiện đại, cấp thêm 304 con bò giống, 77 máy cắt cỏ, cải tạo 8,5ha đất để trồng cỏ và cung cấp cỏ giống.

Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ gia đình ở Văng Môn đã vươn lên khá giả hơn. Có hộ tập trung chăn nuôi lợn mỗi năm thu lãi gần trăm triệu đồng. Những hộ đầu tư xưởng xẻ gỗ, chăn nuôi trâu bò hay trồng keo cũng mang lại những nguồn thu nhập khá.

Đặc biệt, người Ơ Đu đang ngày càng tiếp cận kinh tế thị trường một cách nhanh chóng hơn. Đường sá đi lại ở bản Văng Môn thuận tiện hơn nhiều, các loại hàng hóa luân chuyển liên tục. Các sản phẩm người dân làm ra được bán ra thị trường một cách nhanh chóng. Lợn, bò nuôi xong có xe đến mua. Cây keo, xoan khi đến kỳ thu hoạch cũng có xe vào tận nơi chở đi.

Cùng với đó, các mặt hàng thiết yếu cũng được cung cấp đầy đủ. Cả bản đã xuất hiện 6 quán tạp hóa cung cấp các nhu yếu phẩm cho bà con hàng ngày. Ngoài ra, các xe bán hàng rong cũng chạy ra vào liên tục, mang hàng đến tận sân nhà bán cho người dân khi có nhu cầu. 

Cùng với những vấn đề liên quan đến sản xuất tại chỗ thì cũng phải kể đến một lực lượng đông đảo thanh niên Ơ Đu đang rời quê đi làm ăn xa. Hiện có 129 người Ơ Đu ở Văng Môn ra ngoài làm việc ở các đô thị, các khu công nghiệp, trong đó có 16 người đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…

Các chính sách dân tộc đã góp phần giúp cho cộng đồng này vươn lên phát triển, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn. 

Nguồn thu nhập của những thanh niên rời bản đi lao động bên ngoài đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân ở bản Văng Môn. Bởi đây là nguồn tiền chính mà các gia đình có được trong bối cảnh các sinh hoạt sản xuất hàng hóa để bán ở Văng Môn còn hạn chế.

Một trong những khó khăn lớn nhất ở bản Văng Môn là không sản xuất được lúa gạo. Nương không trồng được lúa vì đất quá cằn cỗi. Ruộng nước thì không có chỗ để khai phá. Vậy nên hầu hết các hộ gia đình sống bằng việc mua gạo hàng tháng. Chính vì vậy mà nguồn tiền từ con cái đi làm ăn xa hay đi làm thuê gần nhà chủ yếu để mua gạo.

"Ngày nào còn không sản xuất được gạo thì người dân vẫn còn đói khổ lâu dài", già làng Lo Văn Cường trăn trở. 

Cuộc sống thay đổi của người Ơ Đu dưới tác động chính sách dân tộc - 3

Già làng Lo Văn Cường tranh thủ công việc chăn nuôi lợn, bò khi đang trò chuyện với tác giả về dự án hộ trợ phát triển kinh tế dân tộc Ơ Đu (Ảnh: Bùi Hào).

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước một mặt làm cho đời sống chính trị và kinh tế người Ơ Đu được cải thiện hơn; làm cho nền kinh tế tiếp cận thị trường nhanh chóng hơn, giúp đời sống vật chất của người dân được nâng cao hơn. Nhưng chính sách cũng tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Trước hết, nó làm cho cả một cộng đồng lệ thuộc vào chính sách phát triển của Nhà nước; làm cho nhiều người dân ỷ lại, trông chờ vào chính sách mà không chịu đi làm ăn để nâng cao cuộc sống.

Khi hết gạo ăn họ lại hỏi cán bộ khi nào Nhà nước phát gạo. Nhà tái định cư bị hỏng họ cũng chờ Nhà nước đến sửa lại. Rồi nhiều hộ sau bao năm nhận chế độ hộ nghèo, nay không muốn thoát nghèo dù đã khá giả hơn vì không muốn bị cắt đi một nguồn hỗ trợ mà họ nghĩ là được nhận mãi.

Giống như một cán bộ xã Nga My đã nhận xét: "Nhà nước đã cố gắng xây dựng chính sách để hỗ trợ cho người dân trong bản. Nhưng hỗ trợ cái gì họ nhận cái đó và sử dụng hết họ lại ngồi chờ chính sách hỗ trợ tiếp theo.

So với các bản khác có điều kiện khó khăn hơn nhưng được hỗ trợ ít hơn mà dần dần người dân cố gắng để thoát nghèo. Còn người Ơ Đu càng hỗ trợ họ càng trông chờ và họ cũng không quan tâm đến việc làm sao để thoát nghèo".

Để các chính sách đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển dân tộc Ơ Đu như tinh thần và chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, cần phải có những đánh giá về các chính sách và tác động của chính sách trên nhiều phương diện khác nhau, nhằm đưa ra những gợi mở để xây dựng các chính sách phát triển bền vững đối với cộng đồng còn không đầy 400 người này.

Mô hình góp phần thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Bùi Hào

Bài liên quan: Nỗ lực của Đảng và Nhà nước đối với một dân tộc rất ít người

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm