1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Nông:

Cuộc sống bi hài của những người cả đời mơ được làm... công dân

(Dân trí) - Gần 20 năm trước, hàng chục hộ người đồng bào Mông tập trung đến sinh sống dọc theo suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Không chứng minh nhân dân, không sổ hộ khẩu, thậm chí không có cả giấy khai sinh ... nên bao năm nay, họ chỉ mang một ước mơ duy nhất là trở thành công dân đúng nghĩa.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới có cơ hội vào được khu vực Suối Phèn- ngôi làng do người dân di cư tự do tự thành lập. Đây trước là rừng phòng hộ thuộc xã Quảng Hòa, có địa hình hiểm trở, đồi núi cheo leo được nhiều hộ gia đình người Mông chọn để dựng nhà, làm nương rẫy rồi quần tụ thành bản làng sống giữa chốn “thâm sơn cùng cốc”.

Ngôi làng của dân di cư

Con đường đất dài hơn 25 km từ UBND xã Quảng Hòa dẫn vào điểm dân cư Suối Phèn khó khăn, nguy hiểm. Mùa mưa kết thúc, hai bên đường nhiều chỗ đã sạt lở cùng với đèo dốc và vực sâu hun hút khiến chúng tôi nhiều lần phải xuống xe đi bộ.

Đứng từ ngọn núi cao nhất trong vùng có thể thấy những ngôi nhà nằm san sát nhau chạy dọc theo hai bên dòng Suối Phèn nhưng phải mất gần 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được nơi.

Con đường đất dẫn vào khu vực Suối Phèn hai bên là vực thẳm
Con đường đất dẫn vào khu vực Suối Phèn hai bên là vực thẳm

Trong căn nhà gỗ truyền thống của người Mông, ông Giàng A Páo (SN 1957) kể lại rằng, ông là một trong những người đầu tiên rời Lào Cai vào đây lập nghiệp. Ngày ấy, quê ông gặp lũ quét, cuốn trôi tất cả nhà cửa, hoa màu khiến gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất, trắng tay.

“Nghe người ta nói ở Tây Nguyên đất rộng, người thưa, đất đai lại màu mỡ nên vào tôi đưa cả gia đình đây làm ăn, sinh sống. Nhưng không ngờ, bây giờ lại “bị kẹt” ở trong này vì không thể làm được bất cứ giấy tờ tùy thân nào”, ông này than thở.

Sống ở Suối Phèn gần 20 năm nay, đây đã trở thành nơi ở 3 thế hệ của những người di dân tự do như ông Páo. Trong số những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên tại khu vực Suối Phèn, có những đứa cả chục năm nay chưa bước ra được khỏi cánh cửa rừng.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, người dẫn đường cho chúng tôi vào khu vực này cho biết, 18 năm về trước, tình hình dân di cư tự do vào xã Quảng Hòa diễn biến hết sức phức tạp, số lượng người mỗi năm một đông. Có lúc bà con thuê cả xe khách 54 chỗ vận chuyển người từ phía Bắc vào đây nên số lượng dân di cư tự do đến địa bàn xã Quảng Hòa là rất lớn.

Những ngôi nhà nằm dọc theo dòng suối, tạo thành một khu dân cư
Những ngôi nhà nằm dọc theo dòng suối, tạo thành một khu dân cư

Riêng điểm Suối Phèn, đầu năm 2000, tại vùng lõm khu vực rừng phòng hộ này chỉ có trên 5 - 7 hộ dân từ tỉnh Lào Cai vào phá rừng làm rẫy. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn đã thấy hàng trăm hộ dân khác kéo đến dựng lán trại.

“Cái tên “Suối Phèn” không phải là một tên gọi hành chính mà là do người dân trong khu vực tự đặt do dòng suối lớn chảy qua đây nhiễm phèn nặng. Trên thực tế, gần 20 năm nay, điểm dân cư này chưa có tên trên bản đồ hành chính của xã”, ông Thủy cho hay.

Cuộc sống “đa không”

Hiện nay tất cả người dân ở Suối Phèn không ai làm được sổ hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân. Câu chuyện không có giấy tờ tùy thân đã nảy sinh không ít chuyện bi hài cho bà con nơi đây.

Mặc dù không làm được thủ tục mua bán, nhưng do nhu cầu bức thiết nên nhà nào cũng phải sắm một chiếc xe gắn máy. Anh Cư A Chữ (SN 1982) cho biết, để có chiếc xe hiện tại, anh này phải nhờ người khác đứng tên hộ rồi thực hiện mua bán lại bằng giấy viết tay.

Gần 20 năm nay, người dân khu vực này chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không dám đi đâu
Gần 20 năm nay, người dân khu vực này chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không dám đi đâu

Ông Thào A Dình (SN 1971), người phụ trách cụm dân này cho biết thêm, khu Suối Phèn cách trung tâm xã trên 25 km, nếu đi bộ phải mất một ngày đường cả đi lẫn về. Vì vậy, nhà nào cũng phải cố gắng mua cho được chiếc xe máy để đưa con đi học, đi chợ, đưa người bệnh đi khám. Thế nhưng, bà con chỉ sử dụng xe máy trong trường hợp cần thiết mà thôi, còn bình thường thì để ở nhà do không có giấy tờ xe.

Theo thống kê, khu dân cư này hiện có trên 100 chiếc xe gắn máy, nhưng hầu như đều không có giấy tờ hợp lệ. Theo ông Dình, khi gia đình có chuyện cấp bách, mọi người dậy từ 3 – 4 giờ sáng để chạy xe ra xã Quảng Sơn, thị xã Gia Nghĩa hay sang xã Đạ R’San, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) lo công việc xong là chạy xe về sớm vì đi muộn hơn sợ gặp cảnh sát giao thông.

Không chứng minh, không hộ khẩu, thậm chí nhiều đứa trẻ còn không được khai sinh
Không chứng minh, không hộ khẩu, thậm chí nhiều đứa trẻ còn không được khai sinh

Chia sẻ thêm về những khó khăn của người dân trong khu vực, anh Cư A Chữ buồn bã: “Ở đây không có điện, không có sóng điện thoại nên ai cũng muốn ra ngoài xã chơi. Tuy nhiên, chỉ khi có việc cần lắm chúng tôi mới đi ra khỏi bản, còn hầu như không dám đi. Bây giờ chúng tôi chẳng khác gì người rừng. Bản thân chúng tôi cũng muốn “thoát ly” khỏi ngôi làng này, muốn đi đây đi đó nhưng cũng không đi được vì không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào”.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho rằng, việc cấp sổ hộ khẩu cho bà con ở Suối Phèn, với 74 hộ, hơn 400 nhân khẩu, theo quy định của pháp luật thì xã không đủ điều kiện để cấp cho người dân. Mặc dù bà con vào đây từ trước những năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được các thủ tục này.

Chưa được làm sổ hộ khẩu, đương nhiên bà con sẽ không có chứng minh nhân dân. Do đó, đối với bà con thì mọi quyền công dân hầu như không có. Đây là những vấn đề bức xúc và những tồn tại hạn chế nhất trong quá trình quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Trẻ em đều mang họ mẹ

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi người dân ở đây cho biết, trẻ em trong làng đều mang họ mẹ. Theo phong tục thì con cái sẽ mang họ cha, nhưng phần lớn các cặp vợ chồng ở đây chưa thể đăng ký kết hôn nên khi khai sinh, những đứa trẻ phải mang họ mẹ.

hình 5

Theo chính quyền xã Quảng Hòa, Suối Phèn còn có hàng trăm cặp vợ chồng với gần 300 cháu sinh ra đều phải mang họ mẹ. Những năm trước, các cháu còn không được làm giấy khai sinh, nhưng sau đó cán bộ tư pháp đã vào tận khu vực này, khai sinh cho hơn 80 cháu, phần lớn mang họ mẹ.

Dương Phong