1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc đời vị anh hùng 3 lần ám sát Ngô Đình Diệm

(Dân trí) - Đại tá Phan Văn Điền, bí danh "Mười Thương", do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào lúc 22h50 ngày 4/5, hưởng thọ 85 tuổi.

Ông Mười Thương sinh ngày 18/8/1935, quê quán xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 10 tuổi, cậu bé Điền đặt chân đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được một cán bộ Việt Minh nhận nuôi và đặt cho cái tên mới Đinh Văn Phú.

Tháng 10/1956, ông Mười Thương được giao nhiệm vụ ám sát Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm khi ông ta lên Tây Ninh, nhưng do tổ chức không nắm chính xác ngày, giờ nên kế hoạch không thực hiện được. Cũng trong năm đó, ông lại chủ động đề xuất cho thực hiện nhiệm vụ này vào đêm Noel tại Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (TPHCM ngày nay), nhưng lại một lần nữa kế hoạch bất thành do lịch trình của Ngô Đình Diệm đột ngột thay đổi.

Cuộc đời vị anh hùng 3 lần ám sát Ngô Đình Diệm - 1

Đại tá Phan Văn Điền qua đời ở tuổi 85 (ảnh: Sơn Nhung).

Tháng 2/1957, báo chí ở Sài Gòn đưa tin "hội chợ kinh tế Cao Nguyên" sẽ được tổ chức ở Ban Mê Thuột vào ngày 22/2/1957. Nhận định Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ có nhiều khả năng đến dự và cắt băng khai mạc, ông Mười Thương cùng các đồng đội vạch ra một kế hoạch tỉ mỉ cho việc ám sát Ngô Đình Diệm.

Để thực hiện nhiệm vụ, ông lấy tên là Hà Minh Trí, giả danh thành một thương gia Tây Ninh lên dự hội chợ, ông cùng một số đồng đội lên thực địa điều tra và nắm tình hình. Sáng ngày 22/2/1957, hội chợ khai mạc. Khi chuẩn bị chào cờ, ông nổ súng vào mục tiêu đã định, tuy nhiên, nhiệm vụ không thành công. Nhưng phát súng duy nhất ấy đã đi vào lịch sử, và sau này được gọi là “Phát súng trên cao nguyên”, tên tập ba của bộ phim "Ván Bài lật ngửa" nổi tiếng một thời.

Sau đó, ông bị lực lượng an ninh bắt giữ, bị kết án tử hình và đày ra Côn Đảo. Ngày 10/3/1965, ông được thả tự do sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, lật đổ.

Cuối tháng 4/1965, ông được bố trí công tác ở Ban An ninh Sài Gòn- Gia Định. Tháng 2/1967, trên đường đi công tác từ Tây Ninh ra Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định, khi đến địa phận huyện Củ Chi, ông bị thương, buộc phải cưa bỏ một chân từ đầu gối xuống.

Sau ngày đất nước thống nhất, từ tháng 11/1980-1986, ông làm Trưởng phòng Xây dựng phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc thuộc Công an Tây Ninh. Sau quá trình công tác và có nhiều đóng góp, ông được phong hàm đại tá.

Từ năm 1986, ông làm Bí thư Đảng ủy Khối xây dựng lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh. Tháng 2/1989 đến tháng 11/1992, ông giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Tây Ninh. Tháng 11/1992-1998, ông là Trưởng ban Tôn giáo tỉnh kiêm Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Năm 1999, ông được nghỉ hưu, về sống cùng gia đình trong căn nhà nhỏ tại phường 1, thành phố Tây Ninh. Sau khi về hưu, ông có thú vui tao nhã là tìm những gốc lũa có hình dáng động vật đem về trưng bày trong phòng khách.

Với nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, Đại tá Phan Văn Điền đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Những năm gần đây, ông trở bệnh nặng, mặc dù được người thân, đội ngũ y bác sĩ tận tình chữa trị, nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Văn Điền không qua khỏi, ông từ trần vào hồi 22h50 ngày 4/5, hưởng thọ 85 tuổi.

Hồng Lĩnh