1. Dòng sự kiện:
  2. Đại hội Đảng bộ các cấp
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

“Cuộc chiến” khác của một người lính

Toàn Thịnh

(Dân trí) - “Có một cuộc chiến đặc biệt, tôi và vợ đã chiến đấu âm thầm mà quyết liệt, đó là hành trình đi tìm con”, đại úy Phạm Đức Cảnh chia sẻ trong bài viết gửi về chương trình “Điều kỳ diệu của Ba Mẹ” do Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh tổ chức.

Anh Phạm Đức Cảnh (Nam Định) là người chồng, người cha duy nhất chia sẻ về hành trình điều trị vô sinh hiếm muộn trong hơn 500 bài viết gửi về chương trình “Điều kỳ diệu của Ba Mẹ” trong chuỗi sự kiện “IVF Tâm Anh - 18 năm kiến tạo diệu kỳ”, diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 8/6. Đó là cuộc chiến lặng thầm của một người lính và vợ - người đồng đội kiên cường để làm tròn 2 chữ gia đình.

“Cuộc chiến” khác của một người lính - 1

Anh Cảnh và vợ trong ngày cưới và ước mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” (Ảnh: NVCC).

Anh Cảnh kết hôn với chị Hà vào tháng 10/2019 nhưng mãi chưa có tin vui. Họ bắt đầu thăm khám và dùng thuốc hỗ trợ. Nhưng hai năm trôi qua, việc tìm con bằng phương pháp tự nhiên không có kết quả.

Tháng 4/2021, vợ chồng anh quyết định tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản. BS.CKI Lê Đức Thắng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh Hà Nội cho biết anh Cảnh sức khỏe sinh sản bình thường, chị Hà rối loạn phóng noãn, cơ hội mang thai tự nhiên rất thấp. Để có con, vợ chồng anh vượt qua áp lực tài chính, thời gian và nỗi sợ hãi về can thiệp y khoa để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Anh Cảnh được đơn vị cử đi học tại Trường Sĩ quan Chính trị, đồng thời lúc tiến hành IVF trùng với đợt cao điểm Covid-19. Chị Hà một mình lên viện chọc trứng, chuẩn bị niêm mạc, chuyển phôi. “Dù không thể nắm tay vợ trong những lần tiêm truyền, kích trứng nhưng toàn bộ tâm trí của tôi luôn đặt ở đó cùng tình yêu”, anh Cảnh xúc động chia sẻ.

Tháng 4/2021, chị Hà được kê thuốc điều chỉnh vòng kinh và hẹn dùng thuốc kích trứng ở ngày 2 chu kỳ. Hai vợ chồng thu được 3 phôi ngày 3 và 1 phôi ngày 5 và 3 phôi ngày 6. Quá trình điều trị gián đoạn do Covid-19, 10 tháng sau chị Hà quay trở lại dùng thuốc chuẩn bị niêm mạc trước chuyển phôi. PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm IVF Tâm Anh, chuyển 1 phôi ngày 5 chất lượng tốt vào buồng tử cung chị Hà.

Ngày vợ chuyển phôi (4/2/2022), anh Cảnh chỉ được nghỉ hơn một ngày đồng hành cùng vợ. Khi trở lại trường, anh buộc phải đi cách ly do có ca nhiễm Covid-19. Cùng thời điểm đó, vợ anh ở quê nhà có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19.

“Khoảng thời gian ấy thực sự rất căng thẳng. Tôi lo cho vợ, cho kết quả của lần chuyển phôi. Có những ngày, tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn màn hình điện thoại, cầu mong vợ kiên cường và phôi thai bình an”, anh Cảnh nhớ lại khó khăn của hai vợ chồng trong hành trình “tìm con” giữa mùa dịch Covid-19.

Điều kỳ diệu xuất hiện khi chị Hà “có beta” ngay lần chuyển phôi đầu tiên tại IVF Tâm Anh. Sau hơn 9 tháng ngập tràn hy vọng đan xen cùng nỗi lo, bé Sữa, tên thật Khánh Ngân, chào đời vào cuối năm 2022.

“Khi ôm con trong tay, tâm trạng tôi rối bời, vừa hạnh phúc xúc động, vừa lo cho vợ. Khi vợ tỉnh lại, hai vợ chồng chỉ nhìn nhau khóc, không nói được câu nào”, anh Cảnh hạnh phúc kể lại.

“Cuộc chiến” khác của một người lính - 2

Bé Sữa đã đến với vợ chồng anh Cảnh trong lần chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại IVF Tâm Anh (Ảnh: NVCC).

BS.CKI Nguyễn Đức Thắng, người đã đồng hành cùng vợ chồng anh Cảnh trong quá trình điều trị tại IVF Tâm Anh, chia sẻ: “Trong hành trình IVF, người vợ phải chịu nhiều ảnh hưởng từ thể chất đến cảm xúc. Chính sự đồng hành của người chồng, về mặt tinh thần là chiếc neo giữ cho người vợ không gục ngã”.

Theo bác sĩ Thắng, trong quá trình điều trị cho các gia đình quân nhân, những người phải vượt qua khó khăn về thời gian và khoảng cách địa lý, các bác sĩ, nhân viên y tế, đội ngũ chăm sóc khách hàng tại IVF Tâm Anh luôn đồng hành, giải tỏa tâm lý và hỗ trợ tối đa để vợ người lính không cảm thấy cô đơn trên hành trình “tìm con”.

Với triết lý “lấy người bệnh làm trung tâm, cá thể hóa điều trị”, các phác đồ điều trị tại IVF Tâm Anh được xây dựng tối ưu theo từng trường hợp, đồng thời chú trọng phát triển đồng bộ: điều trị vô sinh nam, vô sinh nữ và nuôi phôi hiệu quả cao với phòng thí nghiệm hiện đại. Những nỗ lực của IVF Tâm Anh hiện đã đạt tỷ lệ có thai cộng dồn trung bình lên đến 78,7% và gần 85% với phụ nữ dưới 28 tuổi.

Hiện tại, anh Cảnh vẫn phải xa nhà làm nhiệm vụ của một người lính. Anh thường gọi điện thoại mỗi ngày cho con gái. Ngày 1/6, bé Sữa nhận được giấy khen đầu đời. Vợ anh chụp ảnh con gái ôm giấy khen đầy nâng niu kèm lời nhắn: “Hai mẹ con có món quà tặng bố”.

“Đó không chỉ là giấy khen, mà là dấu mốc đầu tiên của con gái, là cột mốc đầu tiên của tôi trong hành trình làm cha”, anh Cảnh hạnh phúc nói.

“Cuộc chiến” khác của một người lính - 3

Khi Sữa 4 tuổi, vợ chồng anh Cảnh sẽ trở lại IVF Tâm Anh chuyển phôi tìm em cho Sữa (Ảnh: NVCC).

"Anh biết ơn em đã chấp nhận làm vợ một người lính thường xuyên vắng nhà. Hành trình IVF em luôn lạc quan, mạnh mẽ, chưa một lần than vãn để có được phép màu", anh Cảnh bày tỏ lòng biết ơn người vợ can trường, đồng thời nhắn nhủ cánh mày râu hãy dành nhiều yêu thương cho vợ vì gánh nặng trên hành trình IVF phần lớn dồn lên vai của người phụ nữ.