Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: 775 hòn đảo ở vịnh Hạ Long vẫn được bảo tồn
(Dân trí) - Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hiện 775 hòn đảo lớn nhỏ ở vịnh Hạ Long vẫn được gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng về động, thực vật, nước, hang động,...
Chiều 15/12, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững TP Hạ Long".
Hội thảo do Thành ủy Hạ Long và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phối hợp tổ chức, là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập TP Hạ Long (1993-2023).
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết, nhìn chung các di sản thế giới ở Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự bền vững của môi trường.
Sự đóng góp của di sản thế giới ở Việt Nam được biểu hiện trong việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, nhất là di sản thiên nhiên thế giới.
Theo bà Hiền, vịnh Hạ Long với khu vực vùng lõi có diện tích 434km2 và vùng đệm 306,5km2 gồm 775 hòn đảo lớn nhỏ vẫn được gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái về động, thực vật, nước, hang động, rừng, biển đã góp phần vào việc bảo vệ bền vững môi trường.
Tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long đã triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nước như thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải. Đáng chú ý, địa phương này đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu - nước ở tất cả các tàu du lịch để đảm bảo môi trường,...
Về định hướng quản lý, bảo vệ trong thời gian tới, bà Hiền đề xuất Quảng Ninh cần khẩn trương lập quy hoạch vịnh Hạ Long theo trình tự quy định pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Quảng Ninh cần phối hợp với các cơ quan quản lý Quần đảo Cát Bà nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị tổng thể Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận hồi tháng 9", bà Hiền nêu đề xuất.
Trong bài phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định: TP Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Hạ Long có vị trí, vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Di sản văn hóa của thành phố chính là nguồn lực đặc biệt cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Vì vậy, bà Hạnh mong muốn thông qua hội thảo sẽ có nhiều hơn nữa những tư liệu, ý kiến quý báu của các học giả, các nhà nghiên cứu, diễn giả để nhận diện, đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu đó phục vụ phát triển bền vững.
Còn theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến, ngoài việc khai thác giá trị cảnh quan của vịnh Hạ Long, các điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn chưa phát huy được tối đa hiệu quả.
Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền quảng bá, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích.
Để khắc phục những tồn tại trên, năm 2024, TP Hạ Long sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Hạ Long cũng sẽ huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.