1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Vùng đệm di sản vịnh Hạ Long có diện tích bao nhiêu?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Vùng đệm di sản vịnh Hạ Long là một khu vực rộng với diện tích khoảng 306,5km2, có tác dụng tạo thêm lớp bảo vệ cho khu vực di sản.

6 đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1279/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những nội dung của kế hoạch là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Theo đó, đến năm 2025, Quảng Ninh cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng.

Trong đó, tỉnh cần xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành (cả nước), trong đó có các đề án:

Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh);

Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn;

Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản Vịnh Hạ Long;

Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản Thế giới;

Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới;

Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh. Nghiên cứu triển khai, xây dựng hoặc phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng các đề án cơ chế chính sách phát triển, liên kết vùng gắn với lộ trình thực hiện cụ thể.

Cũng theo nội dung kế hoạch, về các chương trình, dự án để triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn. 

Với nội dung này, Chính phủ lưu ý Quảng Ninh phải đặc biệt quan tâm các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn 3 hành lang phát triển kinh tế.

Cụ thể: Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau.

Vùng đệm di sản vịnh Hạ Long có diện tích bao nhiêu? - 1

Một dự án lấn biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Hà Phong).

Vùng đệm di sản bao trùm nhiều xã, phường

Trước đó, hồi tháng 5/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp nghe báo cáo và chỉ đạo việc triển khai, tham mưu xây dựng Đề án "Điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long".

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, vùng đệm di sản vịnh Hạ Long là một khu vực rộng với diện tích khoảng 306,5km2, có tác dụng tạo thêm lớp bảo vệ cho khu vực di sản.

Tuy nhiên, tại thời điểm lập hồ sơ di sản vịnh Hạ Long trình UNESCO ghi danh cách đây gần 30 năm, phần ranh giới vùng đệm được thực hiện theo khuyến nghị của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) kéo dài từ 4km đến 5km tính từ ranh giới vùng lõi trở ra.

Vùng đệm di sản vịnh Hạ Long có diện tích bao nhiêu? - 2

Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh (cung cá heo) là một trong những công trình mang tính biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh, cũng nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Bởi vậy hiện nay, hầu hết các phường tại TP Hạ Long như Tuần Châu, Đại Yên, Hùng Thắng, Bãi Cháy, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Tu, Hà Phong; các xã đảo Ngọc Vừng, Thắng Lợi của Vân Đồn; xã Hoàng Tân của Quảng Yên và một phần quần đảo Cát Bà - Hải Phòng, đều nằm trong vùng đệm di sản Vịnh Hạ Long.

Thực trạng trên dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn, sử dụng và phát huy di sản thế giới vịnh Hạ Long và vùng đệm; ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Do đó, việc điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long là cần thiết, bởi đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ về phát triển kinh tế vùng, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đồng thời, việc điều chỉnh góp phần tăng cường hiệu lực quản lý, bảo vệ di sản thế giới vịnh Hạ Long cũng như quản lý, khai thác và phát triển tốt, bền vững tiềm năng, thế mạnh của vùng đệm di sản.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng đề án, nhấn mạnh, vịnh Hạ Long đã được UNESCO 2 lần vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới.

Do đó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định trách nhiệm trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản cho nhân loại, cũng như cho thế hệ mai sau. Đây chính là nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh với dư địa để phát huy vẫn còn rất nhiều.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm