Cục Bồi thường lên tiếng về yêu cầu bồi thường 18 tỷ của ông Nén
(Dân trí) - Chiều 13/4, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định, TAND tỉnh Bình Thuận sẽ phải thương lượng về mức tiền bồi thường oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén trong thời gian sớm nhất; nếu có gì khúc mắc thì gửi đơn xin ý kiến TAND Tối cao.
Phóng viên: Đến nay Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) đã nhận được đơn yêu cầu bồi thường oan sai 18 tỷ đồng của ông Huỳnh Văn Nén hay chưa, thưa ông ?
Ông Nguyễn Văn Bốn: Chúng tôi đã nhận được đơn của ông Nén rồi. Tuy nhiên, theo trình tự, quy định của pháp luật, TAND tỉnh Bình Thuận sẽ là nơi xem xét, giải quyết đơn yêu cầu bồi thường này, chứ không phải thuộc trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước.
Ông đánh giá thế nào về số tiền 18 tỷ đồng mà ông Huỳnh Văn Nén yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường cho quãng thời gian ngồi tù oan trên 17 năm ?
Đến giờ chúng tôi chưa có bất cứ hồ sơ hay chứng cứ gì liên quan đến vụ việc này nên không thể khẳng định được số tiền đó là nhiều hay ít.
Việc này hoàn toàn do ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận tính toán, thỏa thuận với nhau trong quá trình thương lượng tới đây mà thôi. Trách nhiệm trong sự việc này là của tòa án, Cục Bồi thường nhà nước chưa có cơ sở nào xem xét cả.
Quy định hiện hành về bồi thường oan sai bắt buộc gia đình ông Huỳnh Văn Nén phải xuất trình rất nhiều hóa đơn, chứng từ để chứng minh thiệt hại trong hành trình kêu oan 17 năm qua. Ông có thấy đây là điều bất hợp lý, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người bị oan hay không?. Chẳng lẽ không xuất trình được những loại hóa đơn chứng từ đó thì không được bồi thường?
Những gì luật đã quy định cứng rồi thì tòa án phải xem xét, giải quyết, không phải yêu cầu chứng minh nữa. Tuy nhiên đối với những khoản thiệt hại không có hóa đơn, chứng từ gì thì phải yêu cầu chứng minh.
Nếu không chứng minh được thì giữa gia đình ông Huỳnh Văn Nén và TAND tỉnh Bình Thuận sẽ có thỏa thuận với nhau thôi. Đó là việc hoàn toàn giữa bên thiệt hại và tòa án, có vấn đề gì thì TAND tỉnh Bình Thuận sẽ thỉnh cầu TAND Tối cao hướng dẫn, còn chúng tôi chỉ là bên phối hợp.
Trước mắt, hai bên sẽ thỏa thuận với nhau dựa trên các cơ sở, sau đó tính toán thương lượng và ra quyết định bồi thường.
Theo quy định, thời gian thương lượng sẽ kéo dài bao lâu?
Muốn giải quyết nhanh thì phải chứng minh nhanh, thương lượng, rồi làm đề nghị Bộ Tài chính cấp tiền để bồi thường cho ông Nén. Việc bồi thường này tương tự như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thương lượng giữa hai bên mà thôi.
Xin cảm ơn ông !
“Các vị đã lấy mất của tôi một cơ hội để làm một người bình thường”
Như Dân trí đã phản ánh, 4 tháng sau khi được xin lỗi công khai tại địa phương, ông Huỳnh Văn Nén đã gửi đơn yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai 18 tỷ đồng. Cụ thể, ông Huỳnh Văn Nén yêu cầu được bồi thường cho những năm tháng bị ngồi tù oan liên quan đến 2 vụ án là “kỳ án vườn điều” dẫn đến cái chết của bà Dương Thị Mỹ năm 1993 và vụ án liên quan đến cái chết của bà Lê Thị Bông năm 1998.
Trong “kỳ án vườn điều”, ông Huỳnh Văn Nén phải ngồi tù oan 5 năm; trong vụ án liên quan đến cái chết của bà Lê Thị Bông, ông Nén bị kết án chung thân. Tổng thời gian ông Nén phải ngồi tù oan, cho đến trước khi được tại ngoại hồi cuối tháng 10/2015 là 17 năm, 5 tháng và 5 ngày.
“Các vị đã lấy mất của tôi một cơ hội để làm một người bình thường. Nay hãy để cho tôi hy vọng làm một người con bình thường với cha già của mình, làm một người cha bình thường với các con tôi, người chồng bình thường với vợ và gia đình bên vợ. Tất cả những nỗi đau này không có gì có thể bù đắp được”- đơn của ông Nén nêu rõ.
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 11/4, tân Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, quy định pháp luật hiện nay là gây oan sai thì phải xin lỗi và bồi thường. “Bồi thường bao nhiêu đã có quy định của luật, có quy trình cả rồi. Về mặt trách nhiệm, tôi sẽ đôn đốc tòa án tỉnh Bình Thuận giải quyết vụ này, không thể chối từ được”- ông Bình nói.
Thế Kha (thực hiện)