Cử tri “truy” trách nhiệm bạo lực học đường
(Dân trí) - Từ các vấn đề lớn như tăng giá, lạm phát, bất cập lãi suất, “thả tay” cho thuê đất rừng đến nhiều hiện tượng xã hội như bạo lực học đường, đào bới vỉa hè tràn lan… đều được cử tri “cập nhật” gửi lên Quốc hội trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 7.
Một ngày trước khi kỳ họp Quốc hội nửa đầu năm 2010 khai mạc, 1.157 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước được tập hợp, gửi tới cơ quan dân cử cao nhất.
Trách nhiệm cá nhân “xén” rừng làm sân gôn, sòng bạc?
Nhiều cử tri thắc mắc thẳng việc giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng khiến cho việc kiểm soát giá cả thị trường, tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Cử tri khối các doanh nghiệp kêu khó về việc vay vốn của các ngân hàng, “treo” cả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các kiến nghị gửi tới Chính phủ yêu cầu những biện pháp hữu hiệu hơn để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá. Ngành ngân hàng cần có cơ chế phù hợp để nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn để phát triển sản xuất.
Hiện tượng gia tăng các vụ ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt và thu giữ công cụ đánh bắt đang có chiều hướng gia tăng ghi nhận rất nhiều bức xúc. Cử tri chờ đợi Quốc hội, Chính phủ có giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt cá, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Một vấn đề lớn, hệ trọng khác của đất nước được phản ánh là “phong trào” cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Dương. Nhiều khoảng rừng cho thuê gồm cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng để trồng cây công nghiệp, làm sân gôn, thậm chí sòng bạc trong khi người dân địa phương đang thiếu đất sản xuất, công ăn việc làm.
Chính phủ đã có quyết định đình chỉ kịp thời các dự án “cấu xén” rừng, cử tri rất đồng tình nhưng vẫn tiếp tục kiến nghị chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có vi phạm, sớm có các giải pháp khắc phục hậu quả và kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát về vấn đề này.
Học sinh hành xử giang hồ - lỗi “kỹ năng” từ nhà trường
Nhiều vấn đề thời sự quan trọng khác của đất nước cũng thu hút sự quan tâm của cử tri. Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội nhận nhiều kiến nghị cần lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các nhà văn hoá, các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi phê duyệt đồ án.
Mảng quy hoạch đô thị nói chung nhận nhiều ý kiến “phê” các dự án, công trình trọng điểm quốc gia triển khai chậm, đầu tư chưa đồng bộ. Vụ sập dầm cầu cạn Pháp Vân ở Hà Nội vừa qua được lấy làm ví dụ để cảnh báo về hiện tượng không ít công trình trọng điểm quốc gia, công trình chào mừng các ngày lễ lớn thực hiện dở dang, chất lượng chưa đảm bảo, lãng phí.
Đứng trước trách nhiệm “bấm nút” quyết định đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM của Quốc hội, đông đảo cử tri đề nghị cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh sự cần thiết đầu tư dự án, giải pháp công nghệ, nguồn vốn đầu tư, tác động đến môi trường tự nhiên…
Bên cạnh đó, những vấn đề dân sinh, xã hội cũng được cử tri “bám sát”. Người dân một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tỏ ý đặc biệt bức xúc về tình trạng đào bới lòng đường, vỉa hè thường xuyên, tràn lan khắp các tuyến phố gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Hiện tượng đào bới kéo dài còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, lãng phí tiền của nhà nước.
Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ được nhận xét có xu hướng gia tăng. Học sinh vi phạm pháp luật, sử dụng thuốc lắc, ma túy, xem và lưu giữ phim ảnh đồi trụy, hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen được quy nguyên nhân từ việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường.
Đặc biệt, tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành đối với trẻ em, bạo lực học đường cùng với thái độ thờ ơ của nhiều người… không còn là hiện tượng cá biệt, hy hữu, là nỗi lo với cả xã hội.
Theo ý kiến nhiều cử tri, nội dung giáo dục đạo đức trong nhà trường còn nặng nề, thiên về lý thuyết, ít liên hệ thực tiễn xã hội. Một số nhà trường chưa chủ động có giải pháp ngăn chặn cái xấu trong môi trường học đường, dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Giải pháp kiến nghị gửi đến Chính phủ, trực tiếp là Bộ GD-ĐT phải đổi mới toàn diện cả chất và lượng hoạt động giáo dục để định hướng cho học sinh lối sống lành mạnh, có kỹ năng ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạp đức, các quy tắc trong xã hội.
P.Thảo