1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cử tri bất bình, lo lắng về việc Trung Quốc bồi đắp đảo trên Biển Đông

(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước Quốc hội nhấn mạnh việc cử tri lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái phép tại Trường Sa, Hoàng Sa.

Khái quát về tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri, người dân, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri quan tâm sâu sắc việc triển khai tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, sao để lựa chọn được những người thực sự có tài, có đức tham gia cấp ủy đảng các cấp.

Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nhân dân rất quan tâm, theo dõi tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cử tri bất bình, lo lắng về việc Trung Quốc bồi đắp đảo trên Biển Đông

Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri tại Quốc hội.

Về tình hình đời sống, cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nợ công tiếp tục tăng. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương trong những năm qua đã được đầu tư, cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Tai nạn giao thông đã giảm nhưng số người chết và bị thương vẫn còn rất lớn, số vụ tai nạn giao thông tại nhiều địa bàn nông thôn đang có xu hướng tăng. Tai nạn lao động nghiêm trọng và hỏa hoạn vẫn xảy ra nhiều. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chậm được xử lý, khắc phục.

Cụ thể, cử tri và nhân dân băn khoăn về quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay là thấp, không còn phù hợp với nhu cầu đảm bảo cuộc sống tối thiểu trên thực tế. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát và điều chỉnh lại chuẩn hộ nghèo sát thực tế hơn; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với thực tế từng vùng, miền, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một vấn đề thời sự được nhắc trong báo cáo của UB Trung ương MTTQ Việt Nam là về Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, quy định mới đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già. Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng một bộ phận người lao động ngừng việc tập thể để phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế.

Đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri bày tỏ nhiều lo lắng về tính hiệu quả và sự phù hợp thực tế của một số giải pháp như: đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng; việc không chấm điểm trong các trường tiểu học và phương án xét tuyển học sinh vào lớp 6.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sơ kết 1 năm thực hiện các giải pháp này để rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời, bảo đảm đánh giá đúng năng lực học sinh phổ thông trong quá trình học tập và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng các giải pháp đổi mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục thì cần thực hiện thí điểm trước ở quy mô nhỏ, có đánh giá tác động và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc phát hiện và phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, việc xử lý tham nhũng chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp so với quyết định của tòa án.

Đề nghị được đưa ra là Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kiên quyết xử lý các đối tượng tham nhũng, lãng phí, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

“Cử tri và nhân dân đồng tình về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng cho rằng việc thực hiện cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cải cách tiền lương, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức” – ông Nhân nói.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh một số bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức gắn với cải cách hành chính; tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo; đồng thời mong muốn việc tổ chức thi tuyển cần thực sự khách quan, công khai, minh bạch nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. 

P.Thảo

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm