Cụ thể hóa cơ chế để thí điểm TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế
(Dân trí) - Dự thảo về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM chưa có chính sách cụ thể để xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến thêm nội dung này.
Yêu cầu này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5.
Riêng với việc xem xét cho ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ông Huệ cho biết trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội quyết định cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM đến hết năm 2023. Quốc hội đồng thời giao Chính phủ trình nghị quyết mới cho TPHCM trong thời gian sớm nhất.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phấn đấu trình Quốc hội xem xét, quyết định nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp thứ 5. Mốc thời gian này sớm hơn thời hạn hết hiệu lực của Nghị quyết 54.
"TPHCM là đầu tàu cho cả nước phát triển. Hiện nay, yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thể chế, chính sách cho địa phương và các vùng động lực là rất quan trọng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông đánh giá Chính phủ đã chuẩn bị rất công phu cho nội dung này, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có 2 buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM để cho ý kiến vào dự thảo.
Dự kiến, có 8 nhóm chính sách liên quan đến 44 cơ chế được Chính phủ trình Quốc hội. Ông Vương Đình Huệ đề nghị Thường vụ Quốc hội tập trung cho 27 chính sách cụ thể là chính sách mới.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội định hướng cần cho ý kiến vào việc ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm để xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế.
Thực tế trong dự thảo nghị quyết chưa có nội dung cụ thể về chính sách này. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan Quốc hội, Chính phủ cần phối hợp với TPHCM nghiên cứu, xây dựng trong thời gian tới.
Về dự án Luật đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Ông lưu ý những vấn đề lớn, khó như tài chính đất đai, phương pháp định giá đất… cần quy định đảm bảo tính khả thi, có thể vận hành trong thực tế.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi cũng liên quan đến hơn 100 dự án luật khác, trong đó liên quan trực tiếp có 22 dự án luật. Ủy ban Pháp luật đã tổ chức thẩm tra về việc áp dụng pháp luật, để nếu được ban hành ra thì cách thức sửa các luật khác thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, để khi ban hành có thể vận hành được.
Cũng tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc này nhằm thể chế hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; khắc phục một số bất cập trong thực tiễn.
Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ đã tổ chức 2 phiên họp cho ý kiến về những vấn đề lớn đề xuất.
Lưu ý thêm, Chủ tịch Quốc hội cho biết Nghị quyết 85 trước đây chưa tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Trong mô hình chính quyền đô thị, có một số chức danh không phải do HĐND bầu, mà theo chế độ bổ nhiệm, các chức danh như chủ tịch UBND phường. Do đó, phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo nghị quyết lần này phải bao quát hết được các nội dung này.
Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội, những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với 3 mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.