"Cứ e dè sợ hãi thế này, chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh trở lại?"

Hoài Thu

(Dân trí) - Sau đại dịch, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng số lượng cán bộ y tế phải trả giá là quá lớn. Bà Lan đề nghị có cơ chế bảo vệ cán bộ trong những tình huống dịch bệnh tương tự.

Báo cáo huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp chiều 29/5.

Nỗi lo cán bộ bị xử lý được đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ trong bài phát biểu của mình trên nghị trường. Theo bà, dịch Covid-19 là phép thử cho thấy hiện trạng, thực lực của ngành y tế.

Ngay từ vấn đề huy động nguồn lực, bà Lan cho biết cũng rất khó khăn bởi nhiều người dân, doanh nghiệp muốn đóng góp nhưng "đóng góp cũng không dễ".

Cứ e dè sợ hãi thế này, chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh trở lại? - 1

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Phạm Thắng).

"Ngay tại tâm dịch TPHCM chúng tôi cũng phải khuyên các doanh nghiệp muốn đóng góp thì bằng hiện vật, vì bằng tiền chúng tôi không xài được. Tất cả những dự đoán đó thành hiện thực vì sau này có hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra", nữ đại biểu nêu thực tế.

Ngay cả những thủ tục, quy trình để mua vaccine, theo bà, cũng là một "bài toán khó" vào thời điểm ấy, nhưng rất may Việt Nam làm tốt được ngoại giao vaccine.

"Không phải lúc nào cũng may mắn như vậy. Nếu có dịch bệnh tương tự xảy ra sẽ tiếp tục thiếu vaccine, còn hiện tại cơ sở y tế thì thiếu thuốc", bà Lan nêu thực trạng để nói về những bất cập trong quy chế đấu thầu và "chưa biết bao giờ mới được tháo gỡ".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng chỉ ra những chính sách bất hợp lý trong giai đoạn chống dịch. Điển hình như việc "ông nội, ông ngoại" can thiệp tiêm vaccine, tại sao không cho phép tiêm dịch vụ để bớt gánh nặng cho công lập? Hay khi cả cộng đồng sục sôi vì thiếu thuốc điều trị, lúc đó Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng ký cho các thuốc này dẫn đến là tình trạng mua bán bên ngoài và đẩy giá, gây thiệt hại cho người dân…

Ủng hộ chống tiêu cực, song nữ đại biểu góp ý cũng cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, "bồi bổ" để ngành y tế mạnh hơn.

Nếu chống mạnh mà không tập trung xây, bà Lan ví von giống như bệnh nhân thập tử nhất sinh, thay vì phải bồi bổ để nâng cao thể trạng bệnh nhân thì lại tập trung cắt bỏ phần hoại tử rồi cho dùng thuốc nặng. Với cách làm đó, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết.

"Phòng, chống đại dịch đã thu được rất nhiều thành quả và thế giới ghi nhận, nhưng tôi thấy trước đây chiến thắng về mừng công, còn giờ chiến thắng về chúng ta trảm tướng, thay tướng, suy ra thất bại", bà Lan nêu quan điểm và cho rằng sau đại dịch, số lượng cán bộ y tế phải trả giá là quá lớn.

Bà mong muốn báo cáo đi vào thực tế để nếu dịch bệnh có quay lại trong tương lai, chúng ta có thể đối phó tốt hơn.

"Nhưng với những cái e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như thế này, tôi lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại", bà Lan đề nghị có cơ chế bảo vệ cán bộ. Bà cũng chia sẻ câu chuyện thực tế khi cùng đoàn giám sát đi vào tâm dịch và các địa phương đã phải chứng kiến rất nhiều người rơi nước mắt.

Chung nỗi tâm tư, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) thẳng thắn chia sẻ việc chúng ta đã mát nhiều cán bộ sau đại dịch, mà mất người là mất mát lớn nhất.

Cứ e dè sợ hãi thế này, chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh trở lại? - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương).

Nữ đại biểu cho rằng báo cáo giám sát chưa thống kê, phân tích tổng thể số tổ chức, cá nhân vi phạm, nội dung vi phạm và căn cứ pháp luật áp dụng để xử lý vi phạm đó. Vì Nghị quyết 80 của Quốc hội quy định khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác trong phòng chống Covid-19 cần đối chiếu, áp dụng theo các quy định đặc thù tại Nghị quyết 30 của Quốc hội.

"Với những người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng, sức khỏe nhân dân, trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng, cần được đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý", theo bà Xuân.

Để Nghị quyết 30, Nghị quyết 80 thực sự là cơ sở vững chắc cho lực lượng tuyến đầu trong và sau đại dịch, nữ đại biểu nhấn mạnh việc xem xét đánh giá toàn diện vấn đề này không chỉ là chuyện đúng - sai theo quy định pháp luật, mà thể hiện đạo lý, tình người, cụ thể hóa kết luận của Đảng về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.