"Khi chống dịch là anh hùng áo trắng, hết dịch phải ngồi viết giải trình"
(Dân trí) - ĐBQH phản ánh thực trạng ở thời điểm dịch bùng phát, các bác sĩ được coi như "anh hùng áo trắng"; nhưng hết dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian của họ lại là viết báo cáo giải trình.
Câu chuyện xót xa ấy được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) kể trên nghị trường Quốc hội sáng 29/5, khi thảo luận về Báo cáo huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đề nghị ngừng nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 ở Việt Nam
Nhắc đến "lòng tham" của một số cán bộ, kể cả người có chức, có quyền trong đại dịch, đại biểu Thông cho rằng những người này đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, đất nước để cấu kết làm trái quy định của pháp luật, làm giàu bất chính. Và kết quả, họ đã bị xử lý nghiêm khắc.
Song một khía cạnh khác, ông Thông kể câu chuyện đầy xót xa khi ở thời điểm dịch bùng phát, các bác sĩ được xã hội coi như "anh hùng áo trắng", nhưng khi hết dịch, hình ảnh đó không còn nữa. Thay vào đó, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của các y bác sĩ, nhà quản lý y tế lại là viết báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng.
Theo ông Thông, các y bác sĩ ghi nhận việc Trung ương đã ban hành những hướng dẫn xử lý, phân hóa trong xử lý những vụ việc như Việt Á, giúp nhiều người không vướng vòng lao lý, nhưng "nếu chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu".
Một nỗi lo đau đáu khác được đại biểu đề cập là làm sao trả nợ vật tư y tế, oxy, thuốc men trong tình hình cấp thiết đã mượn trước đây, bây giờ các doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng không có cơ sở để hoàn trả.
Cũng đề cập đến những sai phạm nghiêm trọng trong phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc đến "những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất kit test". "Điều đó thật đau đớn, thật đáng lên án và sự trả giá cũng là quá đắt, quá lớn", ông Trí nói.
Nhất trí với việc xử lý thật nghiêm những người tham nhũng, xà xẻo trong hoạt động chống dịch, song vị đại biểu cũng cho rằng cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những người có sai sót nhưng không phải vụ lợi, mà vì để kịp thời chống dịch, phục vụ lợi ích cộng đồng.
Thêm nữa, đại biểu Trí kiến nghị nên sớm chấm dứt việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới.
Với tầm nhìn dài hạn, ông đề nghị chú ý công tác sản xuất kit test, sản xuất vaccine vì những yếu tố này rất cần cho chẩn đoán, phòng ngừa nhiều bệnh khác, nhất là dịch bệnh mới nổi. "Tuy nhiên, tôi đề nghị ngừng nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 ở Việt Nam vì đã quá muộn. Thay vào đó, cần tìm mua loại vaccine Covid-19 tốt với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân", ông Trí nêu quan điểm.
10-15 năm nữa, có thể trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc
Góp ý vào thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đánh giá mạng lưới y tế cơ sở hiện nay được bao phủ rộng khắp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Khi đó, hệ thống y tế cơ sở quá tải, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ, nhiều người chuyển sang khu vực tư nhân hoặc đến các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu chỉ ra bất cập trong chính sách tinh giản biên chế, hay như sinh viên mới ra trường cũng rất ít khi chịu về công tác tại y tế cơ sở do điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học nâng cao trình độ rất khó khăn.
"Với tình trạng trên, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10-15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc", bà Nhi lo ngại.
Theo bà, chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế hiện nay chưa tương xứng với thời gian, công sức học tập, lao động cũng như điều kiện, môi trường làm việc của họ. Ngoài ra, trang thiết bị, môi trường làm việc cũng chưa tốt, không thuận lợi để đội ngũ nâng cao được tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp.
"Một sinh viên ngành y học mất 6 năm, chi phí học tập gần 200 triệu/năm nhưng khi ra trường đi làm chỉ nhận mức lương 5 triệu/tháng. Ở các trạm y tế, biên chế trực mỗi đêm chỉ có một người nên nhân viên y tế, nhất là nữ giới, không dám trực một mình, phải nhờ đồng nghiệp cùng trực rồi chia tiền trực. Trong khi tiền trực mỗi đêm chỉ 25.000 đồng, tiền ăn chỉ 15.000 đồng", bà Nhi nêu thực tế và cho rằng mức chi trả như vậy là rất khiêm tốn.
Với chế độ chính sách này, bà khẳng định rất khó thu hút, giữ chân người làm y tế cơ sở. Vì vậy, nữ đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành chế độ chính sách thu hút, giữ chân nhân viên y tế cơ sở cũng như tạo điều kiện để họ được đào tạo, nâng cao trình độ.