“CSGT có tiêu cực nhưng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh”
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Đại tá Phan Anh Minh, PGĐ Công an TPHCM khi đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP chiều 8/12. Lãnh đạo Công an TP thừa nhận có chuyện mãi lộ của CSGT và cho rằng đây là “những con sâu làm rầu nồi canh”.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Đại tá Phan Anh Minh cho rằng: hầu hết các nạn nhân cán vật sắt trên đường không trình báo cơ quan chức năng. Trong năm 2011, chỉ có 3 vụ phát hiện rải đinh ở Thủ Đức. Công an Thủ Đức kêu gọi người bị rải đinh đến trình báo nhưng không có ai đến. Trong 3 vụ, chỉ 1 vụ bị xử phạt hành chính. 2 vụ chưa đủ căn cứ khởi tố tạm giam nên phải trả tự do cho người bị bắt quả tang, tạm thời để gia đình bảo lãnh chứ chưa hề nói là không xử lý, ông Minh nhấn mạnh.
Các tuyến đường có nguy cơ rải đinh chủ yếu quận 2, 6, 9, 12, Hóc Môn, Thủ Đức… Trong toàn thành phố có 316 điểm sửa xe nhưng có đến 296 điểm không có đăng ký kinh doanh, hoạt động có tính hành nghề lưu động và người hành nghề không phải là người địa phương.
Một phương pháp phòng ngừa khác là kết nối lại thông tin. Lấy thông tin những người bị các vật bằng sắt rơi vãi để xác định nơi nào có rải đinh, tổ chức quét và thu gom phòng chống rải đinh.
Luật luôn đi sau với thực tế. Phương thức tội phạm, thủ đoạn luôn thay đổi. Dù TPHCM đã học tập kinh nghiệm ở Bình Dương nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Các hành vi tội này có thể khép vào tội cố ý gây hư hỏng, hủy hoại tài sản và định giá 2 triệu trở lên thì 1 cái ruột xe cũng không đủ, kể cả vài lần vi phạm cộng lại cũng chưa đủ 2 triệu để mà xử lý hình sự. “Có nhà báo hỏi tôi rằng, trước đây ở Long Thành, Đồng Nai có xử được tội này nhưng sao TPHCM không xử được. Xin thưa rằng, vụ đinh tặc đó xảy ra lâu lắm rồi và thời đó áp dụng Bộ luật hình sự cũ với quy định vi phạm có mức 500 ngàn đồng có thể xử lý hình sự. Còn Bộ luật hình sự năm 1999 thì nâng lên 2 triệu đồng mà các vụ vi phạm về đinh tặc cùng lắm thủng cái ruột xe, giá trị nhỏ nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội để xử lý hình sự”, Đại tá Phan Anh Minh phân trần.
Hiện công an TP đang hướng dẫn công an các quận huyện khi xử lý đinh tặc, áp dụng tội cố ý làm hư hỏng tài sản và nhấn mạnh yếu tố gây tâm lý bất an cho người tham gia giao thông trên một độ dài đoạn đường nhất định. Việc chứng minh đó còn tùy thuộc vào hậu quả trên không gian và thời gian cụ thể. “Hy vọng bằng các biện pháp răn đe, bằng hình sự và với tinh thần đề cao cảnh giác của người dân, sẽ chống được nạn rải đinh”, Đại tá Minh nói.
Về tình trạng đua xe, Đại tá Phan Anh Minh cho rằng, từ cuối năm 2010 tình hình đua xe trở nên xấu đi là do các đối tượng đua nhưng không đạt đích đến mà tụ tập. Khi vắng bóng CSGT thì chúng kéo thành đoàn lạng lách, biểu diễn, rú ga. Tình trạng đua xe có thể rơi vào bất cứ lúc nào, không nhất định là thứ 7, chủ nhật như trước với hàng trăm xe. Một số tuyến ở Bình Chánh, Võ Văn Kiệt, kể cả một số tuyến nội đô như chân cầu Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh) cũng được các nhóm đua xe tập trung đua. Quy mô có nhiều đoàn đua bị bắt giữ hơn cả trăm xe.
Việc cưỡng chế rất khó, việc đảm bảo an toàn cho người vi phạm, người thi hành, xử lý, giữ xe tốn nhiều, choáng diện tích, thậm chí gây mất an toàn cháy nổ. Công an nâng tỉ lệ bắt lên hàng trăm chiếc. Nếu cứ tiếp tục bắt giữ với số lượng lớn thế này thì xử lý không đủ răn đe, tái phạm nhiều. Đã điều chỉnh thay vì việc cố bắt cho nhiều thì các cụm chống đua xe tiếp nhận thông tin, phát hiện có việc tụ tập sẽ chia cắt không cho hình thành các đoàn lớn. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm cũng được tham gia, hóa trang vào và bắt đối tượng đêm đua xe, ngày cướp giật, người của lò độ xe tham gia vào để quảng bá thương hiệu độ xe của mình...
Cho đến nay, lực lượng công an đang tốn nhiều công sức để hạn chế tình trạng đua xe vì xử lý không nghiêm. Hiện đang củng cố chứng cứ để xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, ở quận 2 không thể đưa ra xét xử do VKS không đồng ý. Ở Bình Thạnh đang chuẩn bị đưa ra xét xử 2 vụ với 5 bị can, trong đó có 1 du học sinh từ Úc về cũng tham gia, hiện đã bị cấm xuất cảnh và sẽ bị đưa ra xét xử lưu động.
Đối với câu hỏi về tình trạng CSGT “làm luật” người đi đường, Đại tá Phan Anh Minh thẳng thắng thừa nhận là có, nếu phát hiện thì xẽ xử lý nghiêm khắc. “Tuy nhiên cũng phải nói rõ đó là những con sâu làm rầu nồi canh. Trong năm rồi, có hơn 3.000 CSGT không nhận hối lộ nhưng hình ảnh đó không được ghi nhận mà hình ảnh CSGT nhận hối lộ lại ấn tượng hơn. Chúng tôi sẵn sàng miễn trách nhiệm hình sự cho tài xế bị ép đưa tiền và mong nhận được sự hợp tác của lái xe để làm rõ tiêu cực”, Đại tá Minh nói.
Để chấn chỉnh đội ngũ CSGT, công an TPHCM sẽ có những số điện thoại để người dân tố giác các hiện tượng tiêu cực của ngành và duy trì tổ thanh tra đặc nhiệm giám sát.
Ngoài những vấn đề "nóng" mãi lộ, đua xe, đinh tặc... nhiều đại biểu HĐND còn chất vấn vị Phó Giám đốc Công an thành phố về những tệ nạn xã hội khác. "Tình trạng cướp giật đang diễn ra khá phổ biến, trong đó có nhiều nạn nhân là khách du lịch, công an thành phố có biện pháp gì khắc phục?", đại biểu Từ Minh Thiện hỏi. Trả lời vấn đề này, Đại tá Phan Anh Minh cho biết sắp tới, công an thành phố sẽ tổ chức một đội đặc biệt xử lý những vụ gây án với người nước ngoài. Lực lượng này sẽ đóng chốt ở những giao lộ, những quán có nhiều du khách ăn uống, qua đường và sẽ tăng cường tuần tra ban đêm.
Công Quang