1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Nhức nhối chuyện bệnh viện, vệ sinh thực phẩm ở thành phố 10 triệu dân

(Dân trí) – Trong buổi thảo luận tổ, các đại biểu HĐND TPHCM đã “mổ xẻ” nhiều về tình trạng quá tải tại các bênh viện, thực phẩm bẩn… liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.

Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng dân số TP.HCM không phải chỉ 8 triệu nữa mà đã vượt ngưỡng 10 triệu người. Việc tăng dân số đột biến chủ yếu là tăng cơ học. Đó là thực trạng khách quan, buộc phải chấp nhận vì TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Ông Sen liệt kê hàng loạt bức xúc cần giải quyết ngay, không phải việc giảm hay giãn dân số, mà phải giải bằng được các bài toán về giao thông, nhà ở, bệnh viện, trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm… trong đó, nổi cộm là vấn đề an sinh xã hội.
Nhức nhối chuyện bệnh viện, vệ sinh thực phẩm ở thành phố 10 triệu dân - 1
Đại biểu Trần Văn Khuyên yêu cầu có ngay biện pháp giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện.

Đại biểu cho rằng, quá tải bệnh viện là đề tài cũ mà 10 năm qua chưa giải quyết được bao nhiêu. Đặc biệt, chuyện di dời bệnh viện ra cửa ngõ thành phố để giảm áp lực cho trung tâm đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ. Nếu không giải quyết tốt, tình trạng quá tải bệnh viện sẽ còn kéo dài ít nhất 3 năm nữa.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện, theo đại biểu Sen là do ngành y tế không chú trọng đầu tư đúng mức, chưa thật sự quyết tâm. "Chủ trương có mười nhưng làm chưa được một. Mạng lưới y tế trường học hầu như không có" - ông Sen bức xúc.

Đại biểu Trần Văn Khuyên cho rằng, 2011 là một năm "đau khổ” của ngành Y tế dự phòng TP.HCM. Ông Khuyên dẫn chứng, số ca sốt xuất huyết đã lên đến con số 9.683 ca (tăng 28% so cùng kỳ), phát sinh 9 ca tử vong. Số ca mắc bệnh tay chân miệng cũng tăng tới 256,6% so cùng kỳ (tổng số 10.733 ca, trong đó có 28 ca tử vong).
Nhức nhối chuyện bệnh viện, vệ sinh thực phẩm ở thành phố 10 triệu dân - 2
Sản xuất cà phê bẩn đang làm những tín đồ của loại thức uống khoái khâuẩu này lo ngại

Đại biểu Cao Thanh Bình, tỏ ra bức xúc khi cho biết, đề án sáp nhập bệnh viện tuyến quận huyện về trực thuộc Sở Y tế đã có chủ trương cách đây vài năm đến giờ vẫn chưa "đả động".

Sau quá tải bệnh viện, vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Văn Đức Mười cho rằng: “An toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đáng báo động. Có 3 nguyên nhân gây nên tình trạng: ý thức người tiêu dùng (vì tiền ít buộc phải dùng thực phẩm không an toàn), kiểm soát không tốt của Nhà nước và cuối cùng do đơn vị sản xuất. Nguyên nhân chính là do kiểm soát của Nhà nước còn yếu kém”.

Đại biểu Võ Văn Sen nêu các con số thống kê trong gần 1 năm qua, ngành y tế kiểm tra 348 cơ sở chế biến thực phẩm, phát hiện 249 cơ sở vi phạm (chiếm 70%). Đại biểu Sen tính toán: "Cứ 10 cơ sở sản xuất, đã có 7 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là con số bất thường và ngành y tế thành phố đã thực sự bất lực!”.

Cũng trong buổi thảo luận nhóm, các đại biểu HĐND thành phố cũng đưa ra nhiều ý kiến xung quanh tờ trình của UBND về việc đặt tên hầm Thủ Thiêm thành hầm vượt sông Sài Gòn. Có nhiều đại biểu không đồng tình với tên gọi đề xuất này vì thiếu ý nghĩa.
Nhức nhối chuyện bệnh viện, vệ sinh thực phẩm ở thành phố 10 triệu dân - 3
Vẫn chưa có cái tên chính thức cho hầm Thủ Thiêm .

Hầm Thủ Thiêm, đoạn từ nút giao Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (phía Quận 1) đến trạm thu phí (phía Quận 2) với tổng chiều dài 1.490m hiện mang tên hầm Thủ Thiêm. Hầm chính thức được khởi công từ tháng 2/2005. Sau gần 7 năm thi công, công trình hầm và toàn bộ dự án Đại lộ Đông – Tây đã được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 20/11/2011. Đây là công trình được thi công bằng công nghệ hầm dìm đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và là công trình hầm dìm lớn nhất Đông Nam Á. Sau khi công trình đưa vào sử dụng đã kết nối các vùng kinh tế lớn của khu vực đầu tàu kinh tế năng động nhất cả nước.

Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng, việc đặt tên hầm nên thể hiện được mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Công Quang