1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Covid-19 còn âm thầm trong cộng đồng nhưng TPHCM đang truy vết đúng hướng"

Quang Huy

(Dân trí) - Số người mắc Covid-19 tập trung đông tại một nơi hay một chuỗi lây nhiễm không phải điều đáng lo ngại. Sẽ căng thẳng hơn nếu các ca mắc rải rác ở nhiều nơi - PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Từ ngày 18/5 đến nay, TPHCM ghi nhận 3 chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Số ca mắc trong cộng đồng của thành phố trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 là 258 trường hợp rải rác ở 20 quận, huyện trên địa bàn.

Trong bối cảnh ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc, cùng sự xuất hiện của những biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, số ca mắc Covid-19 tại TPHCM được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dịch bệnh âm thầm lây lan

Sáng 3/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã đưa ra đánh giá tổng quan tình hình dịch Covid-19 thời gian qua. Cơ quan này cho rằng thành phố có thể tiếp tục xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.

"Với những biện pháp truy vết quyết liệt và cách ly tập trung tất cả người tiếp xúc gần, những ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục được phát hiện nhưng đã hạn chế được sự lây lan trong cộng đồng", HCDC đánh giá.

Thông tin cụ thể về từng chuỗi lây nhiễm, HCDC đưa ra những diễn biến cho thấy ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng đang có sự lây lan rộng và mạnh nhất. Những trường hợp đầu tiên của chuỗi được phát hiện ngày 26/5 và lây lan ra nhiều địa bàn, tạo thành những chuỗi nhỏ hơn.

Covid-19 còn âm thầm trong cộng đồng nhưng TPHCM đang truy vết đúng hướng - 1

Nhóm truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lây nhiễm có tốc độ lây lan lớn nhất của TPHCM tính đến hiện tại.

Đến nay, nhóm truyền giáo là nguồn lây lan dịch Covid-19 cho 219 người tại TPHCM. Kết quả giải trình tự gen của 7 bệnh nhân đầu tiên cho thấy họ mắc biến chủng SARS-CoV-2 mới từ Ấn Độ, một biến chủng có khả năng lây lan mạnh.

Số người tham dự điểm truyền giáo là 55, trong đó 40 người đã mắc Covid-19 sinh sống ở 16 quận, huyện của thành phố. Từ đó, họ lây lan đến những trường hợp tiếp theo tại 20 quận, huyện và 6 tỉnh miền Nam (Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu).

Một chuỗi lây nhiễm khác của TPHCM cũng ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Ấn Độ liên quan đến một công ty ở quận 3. Những trường hợp đầu tiên được phát hiện ngày 18/5 gồm 2 bệnh nhân làm việc cùng văn phòng. 

Ngành y thành phố đã khoanh vùng, truy vết, cách ly y tế với 193 người tiếp xúc gần, 1.380 người tiếp xúc khác đã được cách ly y tế. Hơn 9.000 người đã được xét nghiệm mở rộng ở những khu vực liên quan và chưa ghi nhận thêm trường hợp dương tính.

Chuỗi lây nhiễm duy nhất được ghi nhận liên quan đến biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh là trường hợp của ổ dịch quán bánh canh quận 3. Tổng cộng 5 ca mắc được ghi nhận ở chuỗi này, trong đó một bệnh nhân đã tử vong do biến chứng nặng trên cơ địa suy thận mạn giai đoạn cuối.

Sau hơn 2.300 mẫu xét nghiệm được thực hiện, ngành y thành phố chưa phát hiện thêm người mắc Covid-19 liên quan quán ăn này. 

Covid-19 còn âm thầm trong cộng đồng nhưng TPHCM đang truy vết đúng hướng - 2

Ca mắc tăng thể hiện sự truy vết đúng hướng

Đánh giá về việc số ca mắc Covid-19 liên tục tăng tại TPHCM những ngày qua, chuyên gia dịch tễ, cho rằng điều này phù hợp với diễn biến dịch trên địa bàn và thể hiện sự truy vết đúng hướng của ngành y.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng) phân tích, số ca mắc Covid-19 tập trung đông tại một nơi hay một chuỗi lây nhiễm không phải điều đáng lo ngại. Tình hình dịch Covid-19 sẽ căng thẳng hơn nếu số ca mắc nằm rải rác tại nhiều khu vực của TPHCM.

"Tôi cho rằng số ca mắc Covid-19 tăng cao những ngày qua cũng thể hiện rằng TPHCM đang truy vết đúng hướng. Ngành y thành phố cần đánh giá nguy cơ dựa trên việc làm xét nghiệm và điều tra dịch tễ trong thời gian này", ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

Covid-19 còn âm thầm trong cộng đồng nhưng TPHCM đang truy vết đúng hướng - 3
Số ca F0 tăng nhanh thể hiện sự truy vết đúng hướng của ngành y thành phố (Ảnh: Phú Thọ).

Đồng tình với đánh giá trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), phân tích, trong tình hình dịch Covid-19 đã có sự lây lan trong cộng đồng, số lượng F0 tăng nhanh là điều dễ hiểu và phù hợp. 

"F0 tăng nhanh là điều phù hợp với diễn biến dịch bệnh của thành phố, với việc xuất hiện nhiều ổ dịch, nếu lâu lâu mới thấy một ca tức là chúng ta chưa truy vết đúng hướng", Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - nêu quan điểm.

Nói về giải pháp tăng cường truy vết, xét nghiệm trên địa bàn TPHCM thời gian tới, 2 vị chuyên gia cùng chung ý kiến ngành y chưa nên dùng biện pháp xét nghiệm từng người dân. Để việc tầm soát có hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực, thành phố chỉ cần tập trung lấy mẫu thử tại khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

Từ 18h ngày 2/6 đến 6h ngày 3/6, TPHCM có thêm 18 trường hợp nghi nhiễm. Trong đó, 17 người là F1 của các bệnh nhân liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, đã được cách ly từ trước. Người còn lại là nhân viên y tế Bệnh viện Nam Sài Gòn tại huyện Bình Chánh.

Tính đến nay, TPHCM có 258 người mắc Covid-19 (tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4). Trong đó, hơn 200 bệnh nhân liên quan tới chuỗi lây nhiễm điểm truyền giáo Phục Hưng.