1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công trình “chết” vì giá vật liệu

(Dân trí) - Hết sắt thép, đá xây dựng giờ đến xi măng tăng giá vùn vụt đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các công trình cầu đường, dân sinh. Các công trình này càng kéo dài thời gian thi công thì người dân càng khổ.

Đầu cơ vật liệu, công trình lao đao

Bà Phan Hoàng Diệu - Giám đốc Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, cho biết: “Giá cả vật liệu xây dựng tăng đột biến ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công các công trình thuộc dự án của chúng tôi”.

Điều này góp phần đưa đến kết quả là hầu hết các gói thầu thuộc dự án trên đều trễ tiến độ; đặc biệt là gói thầu 13A của tổng công ty xây dựng Bạch Đằng liên tục chậm trễ từ cuối năm 2007 đến nay.

Có công trình nằm trong gói thầu này còn bị bỏ phế từ tết Nguyên đán đến nay không thi công. Nhiều nhà thầu kém năng lực tài chính không thể chịu nổi mức tăng này chỉ còn cách làm cầm chừng chờ qua cơn bão giá.

Một chủ đầu tư công trình cầu đường khác cho biết: “Những vật liệu chủ yếu phục vụ thi công như sắt thép, cát đá xây dựng, xi măng liên tục tăng từ năm ngoài đến năm nay; đặc biệt là những tháng đầu 2008 khiến các công trình hầu như đều bị tê liệt. Nay thị trường TPHCM còn có dấu hiệu đầu cơ ghim hàng, nhiều lúc có tiền cũng không mua được”.

Ông này cũng cho biết, chính sách bù trượt giá của TP đã có, quyền quyết định giá để sau này bù trượt giá giao cho chủ đầu tư, đồng thời chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm trước mọi sự gian lận giá cả. Đây là một điều rất khó khăn trong thời điểm hiện nay, vì giá cả vật liệu không ổn định, mức dao động lớn và hay bị đầu cơ.

Ông lấy ví dụ: “Giá thép trong nhà máy là 16.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi mua từ doanh nghiệp thì giá phải cao hơn. Có thời điểm khan hàng họ nâng giá “lên trời”. Mà không có quy định giá chuẩn nên chúng tôi quyết định giá để bù trượt giá rất khó. Vì nếu duyệt giá cao hơn các nơi khác thì sẽ bị thanh tra, nếu thấp hơn thì nhà thầu không dám mua vật liệu thi công vì sợ lỗ”.

Người dân khổ sở

Hiện tại, TPHCM có hàng trăm công trình cầu đường lớn đang thi công, như: các dự án Vệ sinh môi trường, Nâng cấp đô thị, đại lộ Đông Tây, tuyến đường Rừng Sác… Chỉ riêng các dự án Vệ sinh môi trường TP đến thời điểm 14/5 đã phải vây rào đào 105 vị trí trên 49 tuyến đường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân ven đường.

Cô Bích nhà trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh cho biết: “Từ ngày có cái hàng rào chiếm hết 3/4 lòng đường, người ta chạy tràn lên lề, chen lấn nhau mà đi khiến chúng tôi chẳng buôn bán được gì, con cái thì phải nơm nớp trông chừng vì nhiều lúc xe máy tránh nhau chạy tọt vào cả trong nhà”.

Trường hợp anh Nguyễn Văn Hà còn thê thảm hơn. Vì mặt bằng anh thuê ngay trên đường Yersin, Q1 bằng hợp đồng dài hạn 1 năm, trả tiền nhà trước 6 tháng. Vừa mở tiệm kinh doanh thì hàng rào thi công dựng lên, đã mấy tháng nay chưa thấy dẹp. Còn cửa hàng của anh từ đó đến nay thì lỗ triền miên vì vắng khách.

Đó là chưa kể tiếng ồn và bụi bẩn từ các công trình cũng gây không ít phiền toái cho bà con xung quanh. Bác Tuyết nhà đầu đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh cho biết: “Cứ tối đến là máy móc gầm rú, đào ầm ầm chẳng ai ngủ được. Nhất là ông nhà tui đã cao tuổi, cứ tỉnh giấc là không ngủ lại được, rất khổ sở”.

Do ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động kinh doanh mà nhiều hộ dân sống gần các “lô cốt” đang có dự định khởi kiện các nhà thầu. Nhưng thực ra, các nhà thầu cũng đau đầu vì áp lực tiến độ và giá cả vật liệu bất ổn đang vây họ vào vòng lẩn quẩn: làm tiếp trong thời gian này thì lỗ mà không làm tiếp thì khổ.

Tùng Nguyên