1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Công trình cả tháng không động tĩnh vẫn dựng “lô cốt” chiếm đường!

(Dân trí) - “Tôi đã đi kiểm tra, thấy một số hạng mục dự án đường sắt ga Hà Nội - Nhổn rất ít khi thi công. Lập biên bản thì không có người ở đó để ký nhận, đành phải chụp lại ảnh để làm bằng chứng”, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội nói.

Ngày 22/10, Sở GTVT Hà Nội và các sở ngành đã họp bàn giải pháp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc được các đại biểu tập trung “mổ xẻ” là hàng loạt “lô cốt” - rào chắn các hạng mục công trình dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ga Hà Nội - Nhổn “đắp chiếu” lâu ngày.

Hàng loạt nhà thầu bị xử phạt

Tại hội nghị, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, trên tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông có 12 đơn vị thi công. Qua kiểm tra các đơn vị này thấy một số địa điểm thi công rất chậm, có vị trí gần như “đắp chiếu”. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã lập biên bản xử lý 4 trường hợp vi phạm, phạt 79 triệu đồng. Tại công trình hầm chui trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến và Trung Hòa, thanh tra giao thông cũng lập biên bản 2 trường hợp, phạt tiền 29 triệu đồng với các lỗi không có người hướng dẫn giao thông, không bố trí đầy đủ biển báo rào chắn, đèn báo thi công.

Phương tiện giao thông chật vật đi quan “lô cốt” trên đường Nguyễn Trãi
Phương tiện giao thông chật vật đi quan “lô cốt” trên đường Nguyễn Trãi

Cùng vấn đề trên, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội chỉ rõ, trên địa bàn Hà Nội có 11 dự án, trong đó có 27 điểm rào chắn, qua tuần tra lực lượng cảnh sát phát hiện 23 điểm có nguy cơ ùn tắc. Trong đó nhiều điểm liên quan đến 2 tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và ga Hà Nội - Nhổn. Điều đáng nói, nhiều điểm không có lực lượng của các nhà thầu, đơn vị thi công tham gia phần luồng 24/24 giờ, tất cả đều khoán trắng cho cảnh sát và thanh tra giao thông.

Ngoài ra, Đại tá Thắng còn chỉ rõ một số hạng mục của tuyến đường sắt ga Hà Nội - Nhổn, dù đã rào chắn, chiếm lòng đường nhưng rất ít thấy công nhân thi công trên công trường. Đại tá Thắng đã đi kiểm tra và lập biên bản những dự án gần như “đắp chiếp” này nhưng không có người ở công trường ký biên bản, do vậy đành phải chụp ảnh để làm bằng chứng. Theo Đại tá Thắng nếu thi công ì ạch như vậy thì phải co hẹp rào chắn lại để lòng đường cho nhân dân đi lại.

Trước ý kiến bức xúc trên, ông Lê Huy Hoàng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội “bật lại”: “Nhìn vào công trình, nhiều người hiểu nhầm rằng công trường không thi công. Thực tế chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng yêu cầu của thành phố, các hạng mục vẫn được gấp rút thi công. Một số hạng mục sau khi khoan cọc nhồi, cần phải chờ một  thời gian khoảng hơn 10 ngày mới làm tiếp được, điều đó dẫn đến hiểu nhầm”.

Trước cách giải thích trên, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, có rất nhiều giải pháp để không phải chờ thời gian khoan cọc nhồi hơn 10 ngày mới thi công trở lại. Qua kiểm tra, ông Lăng còn tố một số công trình trong nhiều tháng không thấy động tĩnh gì.

“Rào chắn, chiếm dụng lòng đường mà không thi công, tôi thấy rất phản cảm với xã hội, cơ quan chức năng cũng rất vất vả để xử lý ùn tắc. Còn lấy kỹ thuật ra để nói, thì một số dự án hiện nay sau khi đổ bê tông chỉ khoảng 3 tiếng đã đảm bảo rồi”, ông Lăng chỉ rõ.

Vừa làm vừa tháo “lô cốt”

Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 5 triệu ô tô, xe máy. Trong đó lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, trong đó tăng gần 20 nghìn ô tô, xe máy một tháng. Điều này dẫn đến việc một số tuyến đường lưu lượng phương tiện tăng gấp từ 6 - 7 lần so với bình thường. “Hiện nay, chúng tôi đang mang sức người ra vật lộn với phương tiện giao thông. Do vậy, khi tham gia giao thông mỗi người phải nhường nhịn một chút, đường sá mới bớt ùn tắc”, Đại tá Thắng nói.


Tình trạng ùn tắc giao thông ở phía Tây Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh thời gian qua.

Tình trạng ùn tắc giao thông ở phía Tây Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh thời gian qua.

Sau khi phân tích nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, Đại tá Thắng đề nghị Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường có 11 dự án và 27 điểm rào chắn. Theo Đại tá Thắng, các bên nên tổ chức rào chắn theo hướng thi công đến đâu thu hẹp rào chắn đến đó, trả lại mặt đường cho phương tiện đi lại.

Phó Giám đốc CATP Hà Nội Đào Thanh Hải chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông là do phương tiện ngày càng gia tăng, dân số của Hà Nội cũng rất đông đúc. Điều đó dẫn đến cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp nhu cầu của nhân dân. Ngoài ra, những công trình thi công trên các tuyến đường ra vào thành phố cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Các điểm ùn tắc vẫn chủ yếu tập trung vào giờ cao điểm ở phía Tây thành phố.

Để cải thiện tình hình trên, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, thời gian tới CATP tiếp tục xử lý nghiêm các lỗi dẫn đến ùn tắc giao thông. Phó Giám đốc CATP Hà Nội cũng đề nghị Sở GTVT đôn đốc các nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ, từ đó thu hẹp các rào chắn trên các tuyến đường.

“Có nhiều điểm rào chắn chúng tôi kiểm tra không thấy thi công. Như tuyến đường Xuân Thủy, rào chắn trước mấy tháng chỉ khoan mấy mũi khảo sát địa chất rồi để đó. Do vậy, từ nay đến Tết phải loại bỏ hẳn nguyên nhân ùn tắc do con người gây ra”, Phó Giám đốc CATP Hà Nội nói.

Kết lại hội nghị, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo an toàn, thuận lợi cho phương tiện đi lại trên các tuyến đường. Đơn vị này sẽ tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là các địa điểm đi qua rào chắn “lô cốt” đường sắt đô thị. Ngoài ra, lực lượng Thanh tra Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tăng cường xử lý các nhà thầu còn vi phạm.

Quang Phong