“Lô cốt chiếm 3/4 lòng đường Hà Nội, sao mà không tắc?”
(Dân trí) - “Trước đây tuyến đường Quang Trung - Nguyễn Trãi rộng thênh thang còn tắc. Bây giờ rào chắn những lô cốt chiếm tới 3/4 lòng đường thì làm sao mà không tắc trầm trọng được”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nói.
Ngày 15/9, tại buổi giao ban Báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức , Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cùng các đơn vị liên quan thông tin cụ thể những vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông tại các tuyến đường phía Tây Hà Nội thời gian qua.
"Bị phê bình rát cả mặt"
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trong những năm qua, thành phố tập trung nhiều giải pháp nhằm giảm tai nạn và chống ùn tắc giao thông. Kết quả đã giảm số điểm ùn tắc từ 124 điểm xuống còn 46 điểm ùn tắc. Tai nạn giao thông từ năm 2011 đế nay đều giảm trên cả 3 tiêu chí.
Đề cập đền vấn đề ùn tắc giao thông trên tuyến đường phía Tây Hà Nội, ông Tân cho biết, những ngày gần đây, tuyến đường Quang Trung - Nguyễn Trãi liên tục tắc vào giờ cao điểm. Buổi sáng tuyến đường này tắc theo hướng Quang Trung - Nguyễn Trãi, còn buổi chiều tắc theo hướng từ nội thành đi ra. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, chính vì tuyến đường ùn tắc liên tục nên lãnh đạo Sở nhiều lần bị lãnh đạo thành phố phê bình “rát cả mặt”.
Trước tình trạng trên, ông Tân cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra những giải pháp cụ thể như phân luồng phương tiện giao thông đi sang đường Lê Văn Lương, Cầu Dậu… Dù vậy, do tuyến đường huyết mạch của phía Tây Thủ đô, mật độ người tham gia giao thông đông, nên các biện pháp Sở GTVT đưa ra cũng không thể làm thay đổi được tình hình.
“Nhân dân cũng phải chia sẻ vì trước đây đường rộng thênh thang còn tắc. Bây giờ rào chắn những lô cốt chiếm tới 3/4 lòng đường (còn lại 6m dành cho phương tiện giao thông) thì làm sao mà không tắc được”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.
Theo ông Tân tất cả các điểm thi công trên các tuyến đường góp phần làm cho tình hình giao thông phức tạp thêm. Tuy nhiên, hiện không còn cách nào khác vì muốn đổi mới, muốn phát triển thì phải đầu tư phát triển giao thông đi trước một bước. Do vậy, nếu không tạo điều kiện cho các đơn vị thi công tốt thì bao giờ mới hoàn thành được dự án.
Không tháo rào chắn lô cốt
Trước phản ánh về việc các đơn công quây tôn rào chắn các lô cốt rồi bỏ mặc không thi công ảnh hưởng đến giao thông, ông Nguyễn Xuân Tân khẳng định không có chuyện đó. “Anh chị là người trần mắt thịt, hơn nữa không phải dân giao thông thì làm sao biết được họ có làm hay không”, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.
Với băn khoăn hàng rào lô cốt quá phạm vi cho phép, ông Tân khẳng định, giữa giấy phép và thực tiễn các hàng rào không được vượt quá 10cm. Còn nếu đơn vị nào làm quá thì chắc chắn là có chuyện. Thực tế hiện này Sở GTVT Hà Nội cũng đã xử phạt hành chính một số đơn vị thi công và cấm cần cẩu công trường hoạt động trong thời gian nhiều phương tiện qua lại.
Về vấn tháo dỡ rào chắn lô cốt quây công trường tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quang Trung - Nguyễn Trãi, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, ông chưa bao giờ nói đến chuyện này. Vì theo ông Tân nếu không tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công thì không biết đến bao giờ công trình mới hoàn thành.
Trước đó, đại diện các Sở ngành cùng lực lượng cảnh sát giao thông đã nhóm họp cùng “mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn tới tình trạng các tuyến đường Quang Trung - Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy và nút giao Hoàng Cầu - đê La Thành thường xuyên bị kẹt cứng trong những ngày gần đây.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đang có 17 công trình trọng điểm lớn đang thi công, chưa kể các công trình, dự án nhỏ. Quanh các công trình này có đến 21 điểm bị rào chắn thi công dự án, thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm. Ngoài ra, còn 23 điểm thường xuyên bị úng ngập từ 30-40cm khi xuất hiện mưa to cục bộ.
Nguyên nhân ùn tắc các tuyến đường phía Tây được Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan chuẩn đoán là do ảnh hưởng của các công trường thi công hai tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và ga Hà Nội – Nhổn. Cụ thể trên tuyến đường Quang Trung – Nguyễn Trãi có khoảng 5 nút thắt gây ùn tắc giao thông.
Trên trục đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu, ông Lê Huy Hoàng - Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, hiện đã cấp phép cho đơn vị thi công rào chắn 5,5km để thi công 8 nhà ga. Lòng đường đoạn Xuân Thủy - Cầu Giây chỉ còn mỗi bên 4m, lưu lượng phương tiện lại đông nên rất khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc.
Quang Phong