Công tác ứng phó bão số 16 là cuộc diễn tập nghiêm túc

(Dân trí) - Cơn bão số 16 đã không đổ bộ vào đất liền. Lãnh đạo nhiều tỉnh ĐBSCL nhận định, qua công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 16 có thể xem là đợt diễn tập nghiêm túc trong công tác phòng, chống bão trước thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường...

Đánh giá công tác tổ chức ứng phó cơn bão số 16, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương cho biết, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc rất quyết liệt, nhờ đó, công tác phòng, chống bão đã đạt được những kết quả nhất định.

“Qua đây cũng cho thấy tình cảm giữa cán bộ, quân và dân thân thiết, gần gũi hơn, tạo thêm niềm tin giữa cán bộ với nhân dân và thể hiện rõ sự tương thân tương ái giữa người dân với nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn”, Bí thư Dương đánh giá.


Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương (người đưa tay) chỉ đạo công tác ứng phó bão số 16 vừa qua tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương (người đưa tay) chỉ đạo công tác ứng phó bão số 16 vừa qua tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, rất may cơn bão số 16 đã không đổ bộ vào đất liền. Qua đây, chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và xem đây là đợt diễn tập thật sự nghiêm túc, quy mô lớn... trong công tác ứng phó bão.

Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Quang Dương cũng đánh giá, việc phòng, chống bão vẫn còn một số bất cập như: Phân công trách nhiệm cho từng lực lượng, từng cấp, ngành đôi lúc chưa cụ thể; nhiều nơi còn lúng túng, nhất là tuyến cơ sở; công tác tuyên truyền vận động người dân đến nơi tránh, trú bão ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu; còn một bộ phận người dân ý thức chưa cao trong chấp hành lệnh di dời;…

Trong thời gian tới, nhất là biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế nói trên; yêu cầu UBND tỉnh sớm xây dựng kịch bản, phương án chi tiết ứng phó bão để làm cơ sở triển khai thực hiện khi cần thiết sao cho đạt hiệu quả nhất.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu, với cơn bão số 16, tỉnh đã huy động gần 3.000 lực lượng, gần 550 phương tiện tham gia ứng phó với bão.

“Bão số 16 không gây thiệt hại về người, chỉ có một số diện tích lúa bị đổ ngã, người dân sơ tán ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, mua bán,…”, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu thông tin sau cơn bão số 16.


Người dân chằng néo nhà, chuẩn bị ứng phó bão số 16.

Người dân chằng néo nhà, chuẩn bị ứng phó bão số 16.

Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đánh giá cao các ngành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể tỉnh cũng như sự hợp tác tích cực của nhân dân trong việc ứng phó bão số 16.

Theo ông Chuyện, bão không gây ảnh hưởng, không gây thiệt hại đến đời sống cũng như sản xuất của người dân trong tỉnh nhưng qua đó thấy rõ tinh thần ứng phó với bão trong nhân dân rất tích cực, bà con không chủ quan, lơ là với bão.

“Có thể xem công tác ứng phó với bão lần này là cuộc diễn tập quy mô lớn, bài học quý báu cho các địa phương, các ngành, các cấp cũng như nhân dân trong công tác chủ động, ứng phó với bão”, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nhận định.


Nhiều tàu, thuyền ở Sóc Trăng đã được neo đậu chắc chắn trước cơn bão số 16. (Ảnh: Bạch Dương)

Nhiều tàu, thuyền ở Sóc Trăng đã được neo đậu chắc chắn trước cơn bão số 16. (Ảnh: Bạch Dương)

Ông Lê Văn Hiểu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Dù bão số 16 không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Sóc Trăng nhưng do tính chất phức tạp của cơn bão này nên người dân vùng ven biển cần đề phòng mưa to, gió mạnh và triều cường có thể gây ngập úng, sạt lở ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt trên địa bàn".

Huỳnh Hải – Bạch Dương