1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công khai thông tin thực phẩm “bẩn” để người dân nắm rõ

(Dân trí) - “Rau quả có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép hiện khoảng 4,5- 6,5%. Dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm trong thịt ở mức 0,4-3,8%. Bộ sẽ kiểm tra, công khai kết quả, không giấu giếm để người dân có phản ứng phù hợp” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết.

Bộ trưởng Cao Đức Phát tham gia chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trên truyền hình tối 23/12 về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề đặt ra, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân sẽ tăng lên nhiều lần. Nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng tăng tương ứng. Câu chuyện về VSATTP không phải đến cuối năm mới nóng. Việc người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn dịp đầu năm 2012 vì phát hiện chất tăng trưởng cấm sử dụng trong chăn nuôi đã dẫn tới một hệ quả là chăn nuôi lợn bị đình đốn, nhiều hộ chăn nuôi bị phá sản hoặc phải chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh khác, dẫn tới việc dịp Tết Quý Tỵ này cả nước sẽ có nguy cơ thiếu thịt lợn.

Chuyện các gia đình tự trồng rau, tự mở trang trại trồng nấm - xuất phát từ việc đảm bảo nguồn thực phẩm sạch và an toàn cho chính bản thân mình, bạn bè, người thân và sau đó là mở rộng ra phục vụ toàn xã hội… cũng đã ngày càng phổ biến.
Công khai thông tin thực phẩm “bẩn” để người dân nắm rõ
Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Làm sao khuyến khích được người làm tốt, khiến những người làm sai phải e dè?".

Câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng Cao Đức Phát là những biểu hiện đó chứng tỏ người tiêu dùng đang quá mất lòng tin về chất lượng của những thực phẩm được nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước?

Bộ trưởng NN&PTNT thừa nhận, dù đã có rất nhiều biện pháp được các cơ quan chức năng triển khai, tỷ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất cấm trong các loại thực phẩm theo đó có xu hướng giảm trong thời gian qua, nhưng trên thực tế, tỷ lệ này vẫn còn khá cao. Ông Phát cho biết, hàng năm Bộ vẫn thường xuyên lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm và công bố khi có kết quả xét nghiệm.

Đến nay, kết quả đã có những chuyển biến tích cực. Ông Phát dẫn chứng, với các loại rau quả, số lượng mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép hiện khoảng 4,5- 6,5%. “Tỷ lệ này đã giảm nhiều so với thời gian trước nhưng mức cao so với các nước tiên tiến, và chúng tôi còn phải tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nữa để có thể hạ mức này xuống” – người phụ trách lĩnh vực khẳng định.

Về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng NN&PTNT phân trần, có thời gian người chăn nuôi đã sử dụng khá nhiều nhưng khi cả xã hội lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc, thì tình hình đã được cải thiện. Những kết quả xét nghiệm gần đây cho thấy, dư lượng thuốc kháng sinh, dư lượng chất cấm trong thịt đã giảm xuống, trung bình ở mức 0,4-3,8%. Tuy nhiên, lượng vi sinh vật trong thịt vẫn cao (có nơi tới 30%), ngay trong cá cũng còn tới 6,6%.

Bộ trưởng Cao Đức Phát quả quyết, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng khác vẫn luôn lắng nghe ý kiến của người dân và sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo VSATTP. Giải pháp quan trọng là liên tục tổ chức kiểm tra, giám sát và công bố công khai kết quả kiểm tra cho người dân nắm được thực tế tình hình và có những phản ứng phù hợp.

“Việc thông báo những kết quả kiểm tra là cần thiết vì nó giúp người dân có sự lựa chọn và đặc biệt là có phương thức để xử lý với rau quả thịt cá khi mình mua về và sử dụng cho gia đình” – ông Phát nhấn mạnh.
 
Ngô được chiên bằng mỡ phế thải (Ảnh: Phúc Hưng)
Ngô được chiên bằng mỡ phế thải (Ảnh: Phúc Hưng)

Với con số 90% điểm giết mổ gia súc gia cầm tại miền Bắc không được kiểm soát, là một trong những nguồn gây mất vệ sinh thực phẩm, người đứng đầu ngành lý giải nguyên nhân là do việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa nghiêm. Ông Phát hứa, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các địa phương để tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định; đề xuất để ban hành những chính sách khuyến khích đối với những cơ sở giết mổ, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thực hiện đúng các quy định của luật pháp. Xu hướng chung là khuyến khích phát triển những cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp, khi đó sẽ đảm bảo được tốt hơn những quy định về VSATTP.

Ngoài vấn đề thực phẩm trong nước, tình trạng tình trạng nhập khẩu thịt hay rau củ quả từ nước ngoài vào Việt Nam mà chất lượng không đảm bảo, đặc biệt là với những sản phẩm được nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch (khá phổ biến ở thị trường Việt Nam) đang làm người dân hoang mang cũng là một nội dung được chuyển tới Bộ trưởng Phát.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, các cơ quan chức năng đã nắm được tình hình thực tế và cũng đã có những biện pháp xử lý kịp thời. Ông Phát một lần nữa thừa nhận tình trạng, Việt Nam đã nhập khẩu một số lượng khá lớn rau quả và thịt từ nước ngoài thời gian qua. Bộ NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra, giám sát. Về cơ bản, các loại nông sản, thực phẩm nhập khẩu đã đáp ứng những yêu cầu về VSATTP theo những tiêu chuẩn của quốc tế, cũng như của Việt Nam.

“Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phát hiện có vi phạm và chúng tôi đã tiến hành xử lý theo luật pháp, nhiều tường hợp yêu cầu trả lại cho nước xuất khẩu. Với những trường hợp nhập khẩu tiểu ngạch thì tỷ lệ vi phạm phát hiện nhiều hơn” – ông Phát khẳng định, trong trường hợp đó, Bộ đã gia tăng việc kiểm soát, đồng thời thông báo cho các nước có liên quan để phối hợp xử lý.

Vẫn quả quyết phần “lỗi” do luật không nghiêm, Bộ trưởng Phát cho rằng cần xây dựng quy định pháp luật theo hướng khuyến khích được những người làm tốt, và khiến những người làm sai phải e dè. Quan trọng hơn, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát và chủ động công bố công khai những kết quả giám sát về VSATTP, không giấu giếm, để nhân dân biết rõ tình hình, từ đó có những phản ứng phù hợp.

P.Thảo