1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

“Công dân chưa tin cấp cơ sở nên khiếu kiện vượt cấp”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua phức tạp có phần do người dân chưa tin việc giải quyết ở cấp cơ sở nên khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.

Ông Nguyễn Đức Hạnh trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: T.K)
Ông Nguyễn Đức Hạnh trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: T.K)

Phóng viên: Ông nhận xét thế nào về tình hình khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội) lại phức tạp, “nóng bỏng” như thời gian qua, đặc biệt sau vụ việc Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp bị một nhóm công dân quá khích xô đẩy, lăng mạ ngay tại trụ sở?

Ông Nguyễn Đức Hạnh: Có thể nói từ trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và tiếp đến là sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới nay, tình hình khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Mặc dù vậy nhưng chúng ta đã giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo điều kiện tốt nhất, góp phần thành công của Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy áp lực đối với Ban Tiếp công dân Trung ương của Đảng, Nhà nước vẫn còn rất nhiều; tình trạng công dân gây mất trật tự, căng biểu ngữ, chửi bới, la hét tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương xảy ra khá phổ biến. Từ đầu năm 2016 tới nay đã xảy ra 3 vụ việc đáng tiếc. Qua đây cho thấy lực lượng bảo vệ tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã không đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ; rất may chưa xảy ra điều đáng tiếc. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu Trụ sở tiếp công dân Trung ương phải có lực lượng Công an bảo vệ để kịp thời xử lý khi có sự cố bất thường, chứ sự phối hợp hiện nay thiếu sự chủ động, chưa thể kịp thời.

Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình khiếu kiện của người dân gia tăng như vậy trong thời gian qua?

Tôi có thể khẳng định điều này: Thực hiện Luật tiếp công dân và nghị định hướng dẫn thi hành, nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đã cơ bản thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhưng cũng có nơi, có lúc còn chưa tốt, chưa hài lòng cho công dân. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính, hay nói cách khác là Chủ tịch UBND các cấp ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc, chưa rõ ràng theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật tố cáo và Luật tiếp công dân.

Do đó vụ việc không được giải quyết kịp thời, chất lượng giải quyết khiếu nại chưa tốt, chưa khách quan. Công dân chưa tin việc giải quyết ở cấp cơ sở nên khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương.

Trong nhiều trường hợp, công dân chưa hẳn đã mong mỏi giải quyết được ngay vụ việc của mình, bởi theo quy định của pháp luật phải có trình tự giải quyết theo các cấp có thẩm quyền, nhưng rõ ràng người dân muốn nói tiếng nói của họ lên cấp trên là phải xem xét đến trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý cấp dưới, cấp cơ sở.

Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào nào mà cấp ủy, thủ trưởng cơ quan hành chính quan tâm thì nơi đó tình hình khiếu kiện sẽ giảm, khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết kịp thời và ngược lại.

Chúng ta cũng chia sẻ với Chủ tịch UBND các cấp ở địa phương là công việc quá bận rộn ở nhiều mặt nhưng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ quan trọng phải được đặt ra thường xuyên và liên tục, phải giữ được ổn định chính trị, an ninh trật tự đảm bảo thì mới phát triển kinh tế bền vững được.

Thứ hai, một số trường hợp công dân thiếu hiểu biết pháp luật và bị kẻ xấu kích động nên đã có những hành vi quá khích, thậm chí vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại tố cáo của mình. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng trách nhiệm của cơ quan chức năng cần phải quan tâm, tuyên truyền vận động, giải thích, hướng dẫn để công dân hiểu, chấp hành pháp luật và có biện pháp làm rõ sự kích động của kẻ xấu để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đồng thời cũng cần tăng cường lực lượng bảo vệ Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, bảo vệ cán bộ tiếp công dân.

Ông Nguyễn Hồng Điệp-Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương bị một nhóm người dân khiếu kiện quá khích xô ngã, cào cấu xước xát trên người vào ngày 24/5 vừa qua (Ảnh: NDCC).
Ông Nguyễn Hồng Điệp-Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương bị một nhóm người dân khiếu kiện quá khích xô ngã, cào cấu xước xát trên người vào ngày 24/5 vừa qua (Ảnh: NDCC).

Liệu còn những nguyên nhân nào khác nằm ở bất cập, hạn chế của Luật Tiếp công dân hay thẩm quyền, trách nhiệm, năng lực giải quyết các vụ việc của Ban Tiếp công dân Trung ương không, thưa ông?

Luật Tiếp công dân qua 2 năm thực hiện, mặc dù đã thu được nhiều kết quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế. Ban Tiếp công dân Trung ương hiện nay trước đây vốn chỉ là một Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư của Thanh tra Chính phủ; khi có Luật tiếp công dân thì Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư được chuyển thành Ban Tiếp công dân Trung ương.

Ban tiếp công dân Trung ương lẽ ra phải được giao trách nhiệm và có vai trò lớn hơn rất nhiều so với một đơn vị cấp Vụ trước đây của Thanh tra Chính phủ nhưng Luật tiếp công dân chưa tạo dựng được hành lang pháp lý để làm rõ, phát huy tính thực tiễn của nó.

Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu chúng ta có một mô hình về tiếp công dân Trung ương của Đảng và Nhà nước đủ mạnh về tổ chức, về chức năng nhiệm vụ, về quyền hạn (không phải như hiện tại) thì có lẽ vai trò của Ban Tiếp công dân Trung ương và hiệu quả công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương sẽ được phát huy hơn rất nhiều.

Mặt khác, Luật tiếp công dân quy định Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp công dân định kỳ hàng tháng và đột xuất, nhưng chế tài để đảm bảo việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau tiếp công dân và phương hướng giải quyết vụ việc, quyền hạn tới đâu, trong Luật Tiếp công dân cũng như nghị định hướng dẫn thi hành chưa đề cập rõ nên phần nào đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả sau tiếp công dân của Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tương tự như vậy, những Chỉ thị của Trung ương Đảng và Nhà nước, nhất là Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về nâng cao năng lực của Đảng, nhà nước trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có đề cập đến vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của Ban Tiếp công Trung ương nhưng Ban Tiếp công dân Trung ương về điều kiện cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ rất hạn chế; việc đầu tư xây dựng Trụ sở tiếp công dân tại Hà Nội đã có chủ trương, có kế hoạch của Chính phủ và được xem như là một việc cần thiết, cấp bách nhưng cho đến nay nguồn vốn đầu tư xây dựng vẫn còn bế tắc.

Câu chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đã được nói rất nhiều lần nhưng đến nay chưa có thay đổi. Tới đây Thanh tra Chính phủ có đề xuất nào để việc này thực sự có sự “chuyển mình”?

Trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã tăng cường thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh nhiều thiếu sót, bất cập và nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên trong việc xử lý chưa kiên quyết nên hiệu quả, chất lượng của việc thanh tra trách nhiệm chưa cao, chưa phát huy tác dụng.

Chúng ta vẫn nói là Thủ trưởng cơ quan hành chính nơi này, nơi kia có khuyết điểm nhưng việc xử lý trách nhiệm thế nào thì chế tài theo quy định Luật Tiếp công dân là chưa rõ. Mặt khác việc thanh tra trách nhiệm của các Đoàn thanh tra chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng né tránh, ngại phê bình trong một số trường hợp. Chính vì thế Luật Tiếp công dân và nghị định hướng dẫn thi hành phải quy định chế tài xử lý rõ ràng, không thể chung chung được.

Ngoài việc phải xem xét lại về quy chế làm việc của Ban Tiếp công dân Trung ương thì công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức tiếp dân phải tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa. Thực tế khi làm việc ở một số địa phương, việc bố trí và sử dụng cán bộ làm công tác tiếp công dân có nơi chưa được chú trọng. Thậm chí nhiều nơi những cán bộ yếu, bị lãnh đạo không ưa thì bị đưa về làm công tác này. Rõ ràng như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ còn thiếu kỹ năng tiếp công dân, mà điều này cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ tiếp công dân trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm