1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công dân khiếu kiện lăng mạ, nhổ nước bọt, tấn công cán bộ tiếp dân

(Dân trí) - Suốt thời gian qua, những cán bộ đang làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội) liên tục phải đối mặt với những hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt, hành hung, đuổi đánh, chặn xe cán bộ rồi quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội của những công dân đi khiếu kiện quá khích.

Ông Nguyễn Hồng Điệp-Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương bị một nhóm người dân khiếu kiện xô ngã, cào cấu xước xát trên người vào ngày 24/5 vừa qua.
Ông Nguyễn Hồng Điệp-Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương bị một nhóm người dân khiếu kiện xô ngã, cào cấu xước xát trên người vào ngày 24/5 vừa qua.

Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) vừa có văn bản gửi gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình an ninh, trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo văn bản này, từ sau sự việc bà Trần Thị Thu Hiền - Thanh tra viên, Phòng Tiếp công dân I, trong khi làm nhiệm vụ đã bị công dân Phạm Thị Thuận (Thanh Hóa) dùng dao giấu trong người chém vào mặt và đầu, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103 thì tình hình an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có nhiều diễn biến rất phức tạp. Công dân khiếu kiện đến Trụ sở có thái độ quá khích gia tăng, nhất là các vụ việc đông người hoặc các trường hợp khiếu kiện chây ỳ đã được các cơ quan chức năng giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân cố tình đeo bám khiếu kiện.

Nhiều trường hợp thường xuyên vi phạm Nội quy Trụ sở Tiếp công dân Trung ương như căng băng rôn, khẩu hiệu, la hét, chửi bới, chặn xe cán bộ, quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, đập phá cổng. Một số trường hợp khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền và vận động thì có thái độ bức xúc, thậm chí có hành vi chống đối, tấn công cán bộ, công chức tiếp công dân.

Đơn cử như công dân Hồ Thị Niên (quê ở Nghệ An, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Lắk từ tháng 10/2015) thường xuyên dựng lều ăn, ngủ trước cổng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; ban ngày đặt thùng quyên góp tiền ngoài đường, gây sự chú ý của người đi đường. Mặc dù đã được vận động, tuyên truyền không vi phạm nội quy, chấp hành pháp luật, tuy nhiên công dân này không chấp hành, liên tục chửi bới và đập phá cổng Trụ sở. Ngày 23/5/2016, đại diện lãnh đạo Trụ sở đã tiếp và thông báo đối với bà Hồ Thị Niên về quyền khiếu nại của công dân tại Trụ sở nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác và tiếp tục có hành vi gây rối tại Trụ sở.

Công dân Phan Thị Năm (Hà Tĩnh) trèo lên cần khoan thăm dò địa chất tại Trụ sở, cách mặt đất khoảng 25m nhảy múa, la hét nguy hiểm đến tính mạng và gây mất an ninh trật tự.

Ngày 12/5, công dân Nguyễn Xuân Thái (Nam Định) sau khi được cán bộ thường trực tiếp công dân của Ban Nội chính Trung ương tiếp và hướng dẫn đã có thái độ quá khích, đập phá, lăng mạ và đấm vào mặt ông Ngô Sỹ Giang - Phó Vụ trưởng, Thường trực tiếp công dân Ban Nội chính Trung ương làm ông Giang bị thương. Công dân này đã nhiều lần vi phạm nội quy Trụ sở như la hét, mang dao, mang xăng vào Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đòi tự thiêu,…. Công an phường Quang Trung đã tạm giữ để xử lý và được thả ngay ngày hôm sau và tiếp tục đeo bám khiếu kiện tại Trụ sở.

Ngày 13/5, công dân Nguyễn Thị Niêm (thị trấn Long Bình, huyện Long Phú, tỉnh An Giang) dùng đá đập vào cổng sắt Trụ sở gây tiếng động lớn, khi lực lượng bảo vệ nhắc nhở thì có hành vi xô đẩy cán bộ bảo vệ ngã. Vợ chồng công dân Nguyễn Văn Na (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chửi bới, xô xát với lực lượng dân phòng làm chảy máu tay cán bộ lực lượng dân phòng phường Quang Trung. Trong khi đó, một số công dân tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp bao vây, chặn xe, đập mạnh vào thành xe và kính xe ô tô của lãnh đạo và cán bộ Ban Tiếp công dân Trung ương.

Đỉnh điểm xảy ra sáng ngày 24/5 vừa qua khi các công dân quá khích thuộc tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội đã có hành vi bao vây, túm áo, xô đẩy, cào cấu khiến Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp ngã ngửa, đầu đập vào gốc cây xoài trong sân Trụ sở, gây xước xát người. Khi lực lượng bảo vệ nhắc nhở thì các công dân tóm áo bảo vệ kéo ra. Các công dân này còn la hét, chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tại Trụ sở và tiếp tục đe dọa sẽ có hành vi tiếp theo đối với các lãnh đạo và cán bộ tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

“Ngoài các sự việc trên, công dân có hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt, thậm chí đuổi đánh lực lượng làm nhiệm vụ tại Trụ sở cũng đã xảy ra. Tất cả các hành vi vi phạm trên đều được lực lượng bảo vệ Trụ sở lập biên bản vi phạm nhưng việc xử lý chưa dứt khoát do yếu tố chính trị; công tác phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức (trang thiết bị hỗ trợ công tác bảo vệ) khiến tình hình an ninh, trật tự, an toàn tại Trụ sở tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình trên đã gây hoang mang cho cán bộ, công chức tiếp công dân, còn tiếp tục diễn ra nếu không có biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm”- văn bản của Ban Tiếp công dân Trung ương nêu rõ.

Bà Trần Thị Thu Hiền - cán bộ Phòng Tiếp dân 1 (Ban Tiếp công dân Trung ương) bị người khiếu kiện chém trọng thương, phải tới cấp cứu tại Bệnh viện 103 hồi đầu năm nay.
Trần Thị Thu Hiền - cán bộ Phòng Tiếp dân 1 (Ban Tiếp công dân Trung ương) bị người khiếu kiện chém trọng thương, phải tới cấp cứu tại Bệnh viện 103 hồi đầu năm nay.

Đề nghị công an tăng cường bảo vệ

Theo thống kê của Ban Tiếp công dân Trung ương, đến ngày 24/5, trên địa bàn Thủ đô còn có 117 công dân đeo bám khiếu kiện, trong đó: Bình Phước (12 người), Bình Định (27 người), An Giang (8 người), Tây Ninh (8 người), Bạc Liêu (10 người), Bình Dương (10 người), Đồng Nai (8 người); 34 khiếu kiện đơn lẻ của các địa phương: Nam Định, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Hà Nội, Tiền Giang, Gia Lai, Ninh Bình, Hải Dương, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Điện Biên, TPHCM, Đồng Tháp, Kiên Giang, Đắc Nông, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Ninh.

Trước tình hình phức tạp trên, Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo trên cả 3 miền phối hợp với các địa phương sớm kiểm tra, rà soát đối với các vụ việc do Ban Tiếp công dân Trung ương chuyển đến và thông báo kết quả kiểm tra, rà soát đến Ban Tiếp công dân Trung ương để phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, góp phần hạn chế nguyên nhân gây bức xúc cho công dân tại Trụ sở.

Cơ quan này kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với đơn vị của Thanh tra Chính phủ khảo sát, hoàn thiện thủ tục để tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc đưa Trụ sở Tiếp công dân Trung ương vào diện mục tiêu bảo vệ của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đồng thời chỉ đạo Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông và các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại Trụ sở và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của công dân.

Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, trong tháng 5/2016 có 23 tỉnh, thành phố có lượt đoàn khiếu kiện đông người là Hà Nội (26 đoàn), Bắc Giang (8 đoàn), Thái Bình (5 đoàn), Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hải Dương, TPHCM, Hà Tĩnh, Phú Thọ (cùng 3 đoàn), Hải Phòng, Sơn La (2 đoàn). Ngoài ra, các địa phương như TP Hưng Yên, Lào Cai, Nam Định, Kiên Giang, Hà Nam, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Hòa Bình, Tuyên Quang đều có 1 lượt đoàn đông người. Số lượng đơn thư phải xử lý trong tháng 5 là gần 1.700 đơn. Ban Tiếp công dân Trung ương đã xử lý được 998 đơn, số còn lại đang xử lý.

Ban Tiếp công dân đã phát hành 244 văn bản hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, 45 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết; chuyển 3 vụ việc thuộc thẩm quyền tới Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực III (Thanh tra Chính phủ); tiếp nhận 55 văn bản phúc đáp chuyển đơn của Thanh tra Chính phủ liên quan đến khiếu nại, tố cáo của các Bộ, ngành, địa phương… Cơ quan này nhận định tình hình khiếu kiện, tố cáo tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương trong thời gian tới còn phức tạp, khó lường.

Thế Kha