Công chứng viên phải trung thành với Tổ quốc?
(Dân trí) - Để được cấp thẻ hành nghề công chứng phải tham gia Hội đoàn Công chứng, phải “trung thành với Tổ quốc”… Đây là những quy định đề xuất để buộc trách nhiệm công chứng viên, được thể hiện trong dự thảo luật Công chứng sửa đổi.
Sáng 10/4, buổi làm việc đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo luật Công chứng sửa đổi.
Về việc đề cao vấn đề đạo đức trong các tổ chức công chứng, công chứng viên, dự thảo Luật đưa ra quy định nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm dịch vụ này. Theo đó, để được cấp thẻ hành nghề công chứng, người lao động phải tham gia Hội đoàn Công chứng.
Một nội dung liên quan đến tiêu chuẩn công chứng viên nhận nhiều ý kiến tranh luận trái chiều là về quy định “công chứng viên trung thành với Tổ quốc”. UB Thường vụ Quốc hội, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luận cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này là một tiêu chuẩn vì như vậy sẽ tạo sự khác biệt với các ngành nghề khác.
Ý kiến này được dẫn giải, công chứng viên là những người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện một loại dịch vụ công đặc biệt, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch, giấy tờ, đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Do đó, ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ.
Tuy nhiên, UB Thường vụ lập luận, “trung thành với Tổ quốc” cũng là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xem xét bổ nhiệm đối với nhiều chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… Do vậy, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như đã thể hiện trong dự thảo luật.
Nghiêng về quan điểm không cần thiết, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, quy định như vậy, nghề công chứng bị trao gánh nặng cao quý quá.
“Chúng ta có bao nhiêu đảng viên tuyên thệ trung thành mà vẫn còn tham nhũng ầm ầm, chặn mãi không được mà đi yêu cầu công chứng viên trung thành với Tổ quốc? Chỉ cần trung thành với Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là được rồi” – ông Thuyền nói.
Đồng tình với quan điểm không cần đưa tiêu chuẩn công chứng viên phải trung thành với Tổ quốc, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng quy định như vậy là quá đề cao công chứng viên trong khi công việc của họ cũng chưa ảnh hưởng gì đến an nguy của đất nước. Mặt khác quy định công chứng viên trung thành với Hiến pháp thì cũng là trung thành với Tổ quốc.
Tuy nhiên, về việc xác định tính chất nghề nghiệp “không vì mục đích lợi nhuận” quy định trong dự thảo luật thì nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) ủng hộ chủ trương xác định văn phòng công chứng là tổ chức không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Lịch yêu cầu làm rõ tiêu chí phi lợi nhuận, để áp dụng cho cả tư nhân và các cơ quan sự nghiệp của Nhà nước đều phi lợi nhuận. Ông Lịch phân tích thực tế, người bỏ tiền đầu tư làm phòng công chứng được quyền tính khấu hao để thu hồi vốn nhưng không được chia lợi nhuận ở đây mới gọi là phi lợi nhuận. Còn hiện tại, người bỏ tiền đầu tư để rồi chia lợi nhuận, ông Lịch cho là không đúng bản chất phi lợi nhuận.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật lần này bổ sung quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội , nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này. Để có thể kiểm soát chất lượng bản dịch, công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với công chứng viên về tính chính xác của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tuy nhiên, cũng còn loại ý kiến băn khoăn về quy định này với lo ngại khó bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là trong các trường hợp các giấy tờ được dịch lại không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. Để bảo đảm chất lượng của bản dịch, thì cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với những người này.
Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, đề xuất cho công chứng viên được công chứng chữ ký của mọi cá nhân theo yêu cầu chứ không chỉ giới hạn trong việc chứng nhận chữ ký của người dịch thuật về công chứng các giao dịch bảo đảm nhận nhiều ủng hộ. Một số đại biểu còn đề nghị giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính Nhà nước để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.
P.Thảo