1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Công chức tư pháp hộ tịch ở Hà Nội nhập sai dữ liệu nhiều nhất cả nước”

(Dân trí) - “Tôi rất thất vọng trong đợt thí điểm lần này khi công chức tư pháp hộ tịch ở Hà Nội nhập sai dữ liệu nhiều nhất cả nước, tới hơn 300 trường hợp nam thành nữ, nữ thành nam, có trường hợp chuyển qua Bộ Công an phải hủy số định danh cá nhân. Trong khi nhìn sang huyện Quế Phong (Nghệ An) - một huyện giáp Lào, họ chỉ nhập sai có 2 trường hợp, ít nhất cả nước”- ông Nguyễn Công Khanh bức xúc.

Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp).
Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp).

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 8/4, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai thí điểm cấp số định danh trực tuyến tại 4 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM) và huyện Quế Phong (Nghệ An), đã ghi nhận 74.482 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó 71.353 cấp số định danh cá nhân.

Ông Khanh khẳng định, trong thời gian thí điểm, hệ thống kỹ thuật vận hành ổn định nhưng vẫn còn một số tồn tại, khó khăn.

“Có tới 130 đơn vị chưa biết cách kích hoạt tài khoản và chưa nhập được dữ liệu nên chưa sử dụng được phần mềm hộ tịch. Các cán bộ tư pháp hộ tịch người thì không biết làm, người không có máy tính, hay đường truyền bị trục trặc”- ông Khanh nói.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp rất bất ngờ khi có tới 300 trường hợp sai sót trong dữ liệu được ghi nhận ở Thủ đô Hà Nội.

“Tôi rất thất vọng trong đợt thí điểm lần này khi công chức tư pháp hộ tịch ở Hà Nội nhập sai dữ liệu nhiều nhất cả nước, tới hơn 300 trường hợp nam thành nữ, nữ thành nam, có trường hợp chuyển qua Bộ Công an phải hủy số định danh cá nhân. Trong khi nhìn sang huyện Quế Phong (Nghệ An) - một huyện giáp Lào, chỉ nhập sai có 2 trường hợp, ít nhất cả nước”- ông Khanh bức xúc.

Theo ông Khanh, đề án đặt mục tiêu tới năm 2020 việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh mới được triển khai trên toàn quốc. Từ nay tới thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ về việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin do bộ này quản lý.

Trong quá trình triển khai, Bộ Tư pháp và Bộ Công an vừa làm, vừa khắc phục và vừa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật. “Đến nay cơ bản ổn định. Thời gian cấp một số định danh cá nhân và đăng ký khai sinh hiện chỉ mất khoảng 1 phút”- ông Khanh cho biết.

Lý giải về việc hệ thống đã cập nhật 74.482 trường hợp đăng ký khai sinh nhưng chỉ có 71.353 được cấp số định danh cá nhân, ông Nguyễn Công Khanh cho rằng, con số vênh vì dữ liệu cập nhật cả những trường hợp đăng ký khai sinh lại do bị mất hoặc thất lạc giấy khai sinh. Trong khi đó, Bộ Tư pháp chỉ thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh đối với những trường hợp sinh ra từ ngày 1/1/2016 trở đi; những trường hợp trước đó do Bộ Công an thực hiện.

Gần đây nhất, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Bộ Công an) đã thống nhất ký kết Quy chế tạm thời phối hợp trong công tác tiếp nhận thông tin, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016 (kể cả trường hợp chỉnh sửa, cải chính thông tin hộ tịch không ảnh hưởng đến số định cá nhân và hủy số định danh cá nhân).

Theo đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C72 sẽ kiểm tra hoạt động của hệ thống mạng, máy chủ cấp số, phần mềm cấp số định danh để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh về hệ thống; kiểm tra thông tin công dân đã cấp trong hệ thống, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xử lý các trường hợp cán bộ hộ tịch tại địa phương cố tình cấp sai, cấp nhầm, nhập thông tin công dân không chính xác lên hệ thống.

Cục Công nghệ thông tin sẽ thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo thông tin công dân đã được chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu trước khi gửi yêu cầu cấp số định danh cá nhân đến Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C72.

Thế Kha