Công an Hà Nội tiếp tục điều tra nghi án 11 trẻ “mất tích” tại chùa Bồ Đề
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP Hà Nội, CQĐT vẫn đang tiếp tục điều tra, làm việc với một số người liên quan, xác minh làm rõ danh sách 11 cháu bé nghi “mất tích” tại chùa Bồ Đề.
Như Dân trí đã thông tin trước đó, một nhóm thiện nguyện viên tại chùa Bồ Đề đã có đơn đề nghị điều tra yêu cầu công an làm rõ việc 11 cháu bé trong chùa bỗng dưng “biến mất” trong khoảng thời gian từ tháng 8/2007 đến năm 2012.
Những người đứng tên trong đơn đề nghị điều tra là ông Nguyễn V.L., bà Nguyễn Thị B.N. và bà Lý Thúy Q. - là những người có quá trình tham gia từ thiện thường xuyên tại chùa Bồ Đề trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2012.
Theo bà N., ngày 19/7/2014, bà quay lại chùa Bồ Đề thì phát hiện trong chùa đã vắng mặt một số cháu mà trước đây bà đã từng chăm sóc, giúp đỡ. Ngoài ra, mọi người cũng nghi vấn về cách đặt trùng tên khó kiểm soát tại chùa. Những cái tên Tùng Anh, Việt Anh, Hồng Anh, Tuấn Anh, Minh Anh… được đặt đi đặt lại. Khi các cháu mang tên này "biến mất" thì lại có các cháu mới vào chùa được đặt theo tên đó.
Số lượng các cháu tại chùa mà sư trụ trì chùa Bồ Đề cung cấp trên báo chí hoặc cho các đơn vị đến làm thiện nguyện có nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý, không đồng nhất. Số lượng các cháu không biến động theo số lượng mà nằm trong khoảng từ 100 - 150 cháu bao gồm độ tuổi sơ sinh và từ 1-5 tuổi.
Liên quan đến việc xác minh danh sách 11 cháu nghi "mất tích", ngày 12/8, Thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó Trưởng Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đã xác minh rõ lai lịch, danh tính 11 cháu bé. Cơ quan điều tra đã làm rõ, khi các cháu này được nhận vào chùa Bồ Đề, nhà chùa đều đã đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương.
Về tiến trình vụ việc, lãnh đạo Phòng PC45 Công an TP Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này, việc điều tra làm rõ 11 cháu bé vẫn đang được tiếp tục làm rõ. Do vậy chưa thể có kết luận cụ thể việc 11 cháu bé bị mất tích hay đang sinh sống cùng gia đình.
Hiện các cán bộ điều tra thuộc Cơ quan CSĐT vẫn đang khẩn trương mở rộng việc xác minh, thu thập thông tin, tài liệu từ những người liên quan.
Sau khi tiếp nhận thông tin xác minh 11 cháu bé của Công an quận Long Biên, bà Nguyễn Thị Bích N. - 1 trong 3 người ký đơn đề nghị điều tra - cho biết, bản danh sách 11 cháu bé mà Công an quận Long Biên cung cấp cho báo chí chưa cụ thể, rành mạch. Hơn nữa, địa chỉ các cháu bé lại không chi tiết, rõ ràng bởi thiếu số nhà, thôn xóm và xã… nơi các cháu sinh sống.
Xuất hiện người “lạ mặt” ngăn cản báo chí tác nghiệp Ngày 11/8, tại buổi làm việc giữa Ni sư Thích Đàm Lan với PV Dân trí, phóng viên liên tục bị một nam thanh niên lạ mặt “ra yêu cầu” khi tác nghiệp. Rất nhiều vấn đề dư luận quan tâm đều bị người này ngăn cản không cho nhà chùa cũng như người liên quan trả lời. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị nêu tên tuổi thì người đàn ông này không trả lời. Đến khi phóng viên đề nghị trụ trì chùa cho tiếp xúc với các em nhỏ mồ côi, một phụ nữ lạ lại xuất hiện yêu cầu phóng viên phải xuất trình giấy tờ. Phóng viên các báo bị người phụ nữ khoá cửa không cho vào bên trong tác nghiệp 9Ảnh chụp chiều ngày 11/8, tại chùa Bồ Đề). Sau khi PV trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác, người phụ nữ này vẫn tỏ thái độ bất hợp tác và thẳng thừng nói không tiếp. Khi PV hỏi danh tính, chức vụ công tác, người này im lặng đi vào khu nuôi dưỡng trẻ và sai nhà chùa khóa trái cửa. Trả lời PV Dân trí về 2 người lạ mặt nói trên, Ni sư Thích Đàm Lan nói rằng họ là người giúp đỡ cho nhà chùa về những công việc liên quan đến các cháu trong khu nuôi dưỡng. “Hành vi ứng xử có thiếu sót, tôi mong được các nhà báo thông cảm và chia sẻ với nhà chùa” - Ni sư Thích Đàm Lan đề nghị. |
Quốc Đô