Đã làm rõ lai lịch, danh tính 11 cháu bé nghi mất tích tại chùa Bồ Đề
(Dân trí) - Lãnh đạo Công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết, về thông tin 11 cháu bé ở chùa Bồ Đề nghi mất tích từ năm 2007 đến 2012, CQĐT đã vào cuộc xác minh, làm rõ tên tuổi cụ thể của 11 cháu; danh tính bố, mẹ cũng như người thân các cháu này.
Xác định lai lịch, danh tính 11 cháu bé nghi mất tích
Như Dân trí đã thông tin về nghi án mất tích 11 cháu bé tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2012, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan CSĐT đã vào cuộc xác minh, làm rõ thực hư sự việc.
Theo đó, cơ quan điều tra đã làm rõ được bố, mẹ, người thân của 11 cháu này. Mọi thông tin về nhân thân các cháu đều đã được xác minh rất cụ thể. Về nghi án các cháu "biến mất", vẫn đang được điều tra làm rõ.
Hiện tổng số lượng người sinh sống, kể cả các sư và người già, trẻ em, trong chùa là 250 người. Các trường hợp đến tá túc tại chùa Bồ Đề, cán bộ công an phường đều vào tiến hành các thủ tục kê khai để quản lý.
“Tính cả 11 cháu đi khỏi chùa, chúng tôi cũng đã làm rõ cụ thể từng trường hợp. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn đang tích cực mở rộng tiếp cận thông tin trình báo, tố giác về việc có thể có các trường hợp mất tích khác để tiếp tục xác minh và làm rõ căn nguyên” - lãnh đạo Công an Long Biên cho biết.
Theo lãnh đạo Công an Long Biên, sau khi vụ mua bán trẻ bị phanh phui, số lượng các cháu được nuôi trong chùa đã giảm nhiều. Có trường hợp gia đình đến đón trẻ về nuôi; có trường hợp trẻ đi chữa bệnh; có trường hợp trẻ được đưa sang trung tâm bảo trợ xã hội hoặc chuyển sang sinh sống tại một ngôi chùa khác...
“Hiện CQĐT đang làm rõ mức độ liên quan cụ thể của thầy trụ trì trong vụ việc để xem xét, xử lý đúng luật định” - Lãnh đạo Công an Long Biên cho hay.
Công an Long Biên không nhận được đơn trình báo vụ việc
Tại buổi làm việc với PV Dân trí, lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, cơ quan này không hề nhận được đơn trình báo hay tố giác hành vi buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề trước khi vụ việc được CQĐT Công an TP Hà Nội phanh phui.
Lãnh đạo Công an Long Biên cũng khẳng định, trước đó cơ quan này đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 2 vụ việc liên quan đến hành vi bắt cóc trẻ em và vụ một cháu bé nghi bị xâm hại tình dục và bị bỏ lại chùa Bồ Đề vào năm 2012 và 2013.
Trở lại diễn tiến vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, chiều ngày 11/8, Phòng PC45 Công an TP Hà Nội đã chính thức chuyển hồ sơ vụ việc sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị khởi tố Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về tội: “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.
Nên giữ hay xoá bỏ nhà tình thương trong chùa? Thông tin từ Công an quận Long Biên cho biết, việc nuôi dưỡng trẻ tại chùa Bồ Đề có từ hơn 10 năm qua. Manh nha của sự việc xuất phát từ một số người phụ nữ sinh con, nhưng hoàn cảnh éo le không thể nuôi dưỡng nên họ mang đến cửa chùa để nhờ nuôi giúp. Khi được nhà chùa dang tay cứu giúp, rất nhiều mảnh đời bất hạnh đã được thay đổi cuộc sống, trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội. Công an Long Biên cho biết, hiện trong chùa có 22 em nhỏ đang đi học văn hóa và đầu năm học mới này có thêm gần 10 cháu nữa đến trường. Nếu đưa các em vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội thì cuộc sống sinh hoạt và học tập sẽ bị ảnh hưởng. Chiều 11/8, Quận Uỷ Long Biên đã tổ chức cuộc họp bàn với các cơ quan chức năng để bàn bạc về hướng đề nghị lên TP Hà Nội giải quyết sự việc theo 2 hướng: một là duy trì sự hoạt động nuôi dưỡng người cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề và đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quản lý theo qui định pháp luật. Hai là, với những người già, trẻ em đang sống nhờ tại chùa Bồ Đề thì rà soát, lập kế hoạch để tìm kiếm các thông tin gia đình của trẻ, nếu còn người thân thì chuyển trẻ về với gia đình. Trường hợp không còn người thân thì chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng. |
Quốc Đô