"Con đường đau khổ" nối Bình Dương - Đồng Nai hư hỏng nặng giữa mùa mưa
(Dân trí) - Sau vài tháng sửa chữa, tuyến đường BOT nối Bình Dương với Đồng Nai lại xuống cấp, hư hỏng nặng, ổ gà, ổ voi chi chít.
Mới được chủ đầu tư sửa chữa dịp Tết Nguyên đán nhưng sau vài tháng, đường Hoàng Văn Bổn nối Bình Dương với Đồng Nai tiếp tục hư hỏng nặng trở lại. Người dân gọi đây là "con đường đau khổ" hay "con đường ác mộng" của cánh tài xế sau mỗi trận mưa.
Tuyến đường BOT nối TP Biên Hòa (Đồng Nai) với huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) bao gồm đường Hoàng Văn Bổn (hay còn gọi là đường Nhà máy nước Thiện Tân) và đường BOT 768 do Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư, từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương và tài xế do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Dài hơn 6km, tuyến đường Hoàng Văn Bổn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa, giao thương các khu công nghiệp ở Bắc Tân Uyên (Bình Dương) với TP Biên Hòa và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, do thiếu đầu tư sửa chữa, hiện nay, mặt đường đã trở nên hư hỏng nặng nề, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt sau mỗi trận mưa.
Sau những cơn mưa, các phương tiện lớn, tải trọng nặng lưu thông qua tuyến đường này phải di chuyển rất chậm để hạn chế rung lắc, tránh nguy cơ lật xe do gặp những vũng nước sâu, ổ gà, ổ voi.
Là tuyến đường kết nối chính, hàng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại tuyến đường Hoàng Văn Bổn. Các tài xế đều lắc đầu, ngán ngẩm bởi mặt đường gồ ghề, ổ gà, hư hỏng nặng nhưng thời gian dài cơ quan chức năng chưa sửa chữa.
Tài xế Phạm Văn Hiếu (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cho biết: "Tuyến đường này hư hỏng nặng nhiều năm nay. Cách đây vài tháng chính quyền sửa chữa nhưng do mật độ xe tải nặng lưu thông qua lại rất lớn nên mặt đường bị cày nát. Mỗi lần đi qua đường này, tài xế phải giảm tốc độ vì sợ dính ổ gà, hư gầm. Có ngày trời mưa, kẹt xe cả giờ".
Xe tải lớn phải nhích từng chút một, còn xe máy thì rất khổ sở vì mặt đường "lượn sóng" khiến cho việc điều khiển phương tiện khó khăn, nhất là với phụ nữ và người lớn tuổi. Người dân sinh sống dọc tuyến đường này muốn chạy xe máy phải tìm cách tránh qua tuyến đường khác.
Mặt đường gồ ghề, lượn sóng nên người điều khiển xe máy thường xuyên cắt đầu xe container, xe tải nặng rất nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Từ đầu năm đến nay, đường Hoàng Văn Bổn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do té xe, có vụ khiến một người dân tử vong.
Có những vũng nước, ổ gà sâu hơn 50cm khiến các phương tiện gầm thấp không thể di chuyển qua được. Xe tải nặng phải "bò" rất chậm khi di chuyển trên con đường này.
Tuyến đường Hoàng Văn Bổn có những đoạn bề ngang rất nhỏ, chỉ đủ hai xe lớn tránh nhau nên người dân đi xe máy thường xuyên bị dồn ép vào sát lề đường.
Bánh xe sau của một chiếc xe tải nặng chênh vênh khi di chuyển qua tuyến đường chi chít ổ gà, ổ voi sau cơn mưa.
Lốp container bị lọt vào rãnh sâu nên tài xế phải xuống đường tìm phương án khắc phục khiến dòng xe ùn ứ kéo dài. Theo người dân, lượng xe container, xe tải nặng chở hàng từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương qua Đồng Nai để về các cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu qua đường Hoàng Văn Bổn rất lớn.
Trong cơn mưa lớn, dòng nước chảy mạnh xuống các ổ gà tạo cột nước cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Sau cơn mưa lớn chiều 6/6, người dân phải cào đá dăm lấp những vũng nước ứ đọng trên mặt đường để các phương tiện lưu thông an toàn, đặc biệt là xe máy.
Theo Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (đơn vị chủ đầu tư), tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân (đường Hoàng Văn Bổn) đi qua hai địa phương là thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Đây là một trong các tuyến đường thuộc dự án BOT đường 768.
Tháng 1, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Giao thông vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân bằng nguồn vốn ngân sách.
Dự án BOT ĐT 768 dài 48km được đầu tư hơn 500 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật). Công trình dự kiến thu phí trong 35 năm (từ năm 2010 đến 2044).
Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 11/2010. Đến đầu năm 2021, việc thu phí tạm dừng để chủ đầu tư lắp đặt hệ thống ETC theo yêu cầu của Chính phủ, đến nay công trình vẫn chưa thu phí lại để điều chỉnh một số thủ tục.