1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sức mạnh của các sắc lệnh hành pháp ông Trump ký ngay sau nhậm chức

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hơn 100 sắc lệnh hành pháp ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1. Những sắc lệnh này phần nào phản ánh chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai của ông.

Sức mạnh của các sắc lệnh hành pháp ông Trump ký ngay sau nhậm chức - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1 (Ảnh: EPA).

Sắc lệnh hành pháp là gì?

Về cơ bản, sắc lệnh hành pháp là những tuyên bố có chữ ký về cách tổng thống muốn chính phủ liên bang được quản lý như thế nào. Chúng có thể là hướng dẫn cho các cơ quan liên bang hoặc yêu cầu báo cáo.

Nhiều mệnh lệnh có thể không thể phản đối, chẳng hạn như cho nhân viên liên bang nghỉ một ngày sau lễ Giáng sinh. Sắc lệnh hành pháp cũng có thể đưa ra các chính sách lớn.

Các mệnh lệnh hành pháp cũng được tổng thống Mỹ sử dụng để theo đuổi các chương trình nghị sự mà họ không thể thông qua quốc hội.

Các tổng thống mới có quyền ra lệnh hủy bỏ sắc lệnh của người tiền nhiệm. Ví dụ, Tổng thống Donald Trump đã hủy 78 sắc lệnh từ thời người tiền nhiệm Joe Biden.

Theo Hiệp hội Luật sư Mỹ, các lệnh này không yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội và các nhà lập pháp không thể trực tiếp đảo ngược, nhưng quốc hội có thể ngăn chặn việc thực hiện mệnh lệnh bằng cách cắt bỏ nguồn tài trợ hoặc tạo ra các rào cản khác.

Trong suốt lịch sử Mỹ, đã có hàng nghìn lệnh hành pháp của tổng thống. Tổng thống George Washington chỉ ký 8 sắc lệnh hành pháp, trong khi Tổng thống Franklin Delano Roosevelt ký 3.721 sắc lệnh.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump ký tổng cộng 220 sắc lệnh, trong khi ông Biden ký 160 sắc lệnh.

Sắc lệnh hành pháp thường mang thông điệp chính trị

Ông Trump đã ký nhiều sắc lệnh hành pháp gắn liền với những lời hứa trong chiến dịch tranh cử.

Các sắc lệnh này gồm tạm dừng tuyển dụng trong các cơ quan liên bang, yêu cầu nhân viên liên bang quay lại văn phòng làm việc và xem xét lại các cuộc điều tra liên bang mà ông Trump cho rằng nhắm vào những người ủng hộ ông.

Ông cũng ban hành sắc lệnh điều hành để có thêm thời gian cho việc thương thảo mua lại TikTok. Ông cũng đề nghị ngừng phát triển điện gió ngoài khơi.

Nhiều sắc lệnh của Tổng thống Mỹ thứ 47 vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ.

Giới hạn quyền lực của sắc lệnh hành pháp

Quốc hội và tòa án có thể chặn sắc lệnh hành pháp của tổng thống.

Ví dụ, năm 1992, quốc hội Mỹ đã thu hồi sắc lệnh của Tổng thống George H.W. Bush về việc thành lập ngân hàng mô thai nhi người phục vụ nghiên cứu khoa học bằng cách thông qua biện pháp tuyên bố lệnh đó không có hiệu lực pháp lý.

Quốc hội cũng có quyền từ chối cấp ngân sách cho các cơ quan và cản trở thực thi sắc lệnh.

Sắc lệnh hành pháp cũng có thể đối mặt với các thách thức pháp lý do lập luận rằng tổng thống vượt quá thẩm quyền.

Ví dụ, khi Tổng thống Harry Truman tìm cách tiếp quản các nhà máy thép trong Chiến tranh Triều Tiên, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố ông không có thẩm quyền chiếm đoạt tài sản tư nhân nếu không có sự chấp thuận của quốc hội.

Theo Vox
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0