1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Cõi thiêng Yên Tử ngày khai hội

(Dân trí) - Cõi thiêng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) ngày khai hội 4/2 (mùng 10 tháng Giêng) thật trang nghiêm. Tiếng nhạc Long âm, tiếng trống khai hội… như một lời mời du khách đến với chốn non thiêng - kinh đô của Phật giáo Việt Nam.

Cõi thiêng Yên Tử ngày khai hội - 1

(Ảnh: dulichhag.com)
 
Ngay từ sáng sớm, dọc trên con đường Dốc Đỏ, dẫn vào khu Yên Tử đã có nhiều tăng ni, phật tử với cờ hoa sẵn sàng cung đón du khánh hành hương về Đất Phật. Con đường trải nhựa quanh co dài gần 18 km với cờ, khẩu hiệu chào mừng rực rỡ kéo dài từ quốc lộ 18 vào đến chân chùa Giải Oan. Tiết trời hôm nay cũng thật khác, khí lạnh, sương mù đã lùi xa thay vào đó là tiết trời trong lành, những tia nắng ấm áp giúp du khách hành hương về với cõi Phật thật thoải mái.

 

Từ xưa, núi rừng Yên Tử được biết đến và ngợi ca là "phúc địa", bởi nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ, có không gian thiên nhiên bao la kỳ vĩ. Yên Tử là vùng non thiêng đại ngàn trong tâm thức của người Việt Nam, nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hoá, tín ngưỡng dân tộc...

 

Khu di tích Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, Uông Bí. Đặc biệt, Chùa Đồng - "đoá sen" trên đỉnh Phù Vân chỉ "cách trời ba thước" sẽ là tâm điểm của du khách.

 

Năm nay, Yên Tử đã được đầu tư xây dựng 2 tuyến cáp treo từ chân Giải Oan lên đến chùa Hoa Yên và từ chùa Một Mái lên đỉnh An Kỳ Sinh nên việc hành hương lên đỉnh non thiêng đã rút ngắn được thời gian và sức lực cho du khách hành hương tìm về với nguồn cội. Đây là hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục về sự hiện đại, tiến độ thi công, địa hình dốc đứng và độ cao, với tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng.

 

Công ty Tùng Lâm còn đầu tư nâng cấp mở rộng sân lễ Chùa Đồng và đường từ An Kỳ Sinh lên Chùa Đồng; mở rộng bến xe Giải Oan, nâng công suất lên gần gấp hai lần để tránh ùn tắc xe. Chuẩn bị cho ngày khai Hội Yên Tử, Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm còn tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống nhà ga 3, nhà ga 4; nâng cấp các tuyến đường đi bộ và lắp đặt hệ thống chiếu sáng hai bên đường; mở rộng bến xe...

 

Nhiều phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, giải phóng xe nhanh chóng… cũng đã được địa phương chuẩn bị chu đáo, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hành hương.

 

Cùng hoà vào dòng người về dự lễ khai hội xuân năm nay, bà Nguyễn Thị Thắm, du khách từ Hà Nội cho biết: “Từ năm 1997 đến nay, mỗi năm đều hành hương về với cõi thiêng. Năm nay, tôi thấy công tác tổ chức của tỉnh Quảng Ninh rất tốt khiến du khách hành hương rất an tâm. Về với cõi thiêng Yên Tử năm nay, tôi cầu chúc sức khoẻ cho mọi người trong gia đình và cầu cho quốc thái dân an để cho đất nước được phồn vinh, tươi đẹp hơn”.

 

Bà Trần Thị Hà, một du khách từ Hà Nội nhận xét: “Tôi đã có gần 20 năm liên tục hành hương về Yên Tử, mỗi năm, tôi lại thấy Yên Tử một khác. Môi trường ở đây được bảo vệ sạch sẽ, khang trang; con đường đã được mở rộng, nâng cấp vào đến chân núi. Về với Yên Tử năm nay, tôi cảm thấy đúng là được hành hương về với Đất Phật”.

 

Lãnh đạo thị xã Uông Bí cho biết: Năm nay là năm Yên Tử sẽ đón nhận và tổ chức nhiều sự kiện lớn: dựng tượng Trần Nhân Tông trên đỉnh non thiêng Yên Tử; tôn tạo Chùa Suối Tắm; Chùa Bảo Sái; hoàn thành việc lập dự án phát triển mở rộng Yên Tử trình Chính phủ phê duyệt… Từ đầu năm đến nay, Yên Tử đón khoảng 16 vạn khách hành hương. Dự kiến năm 2009, Yên Tử sẽ đón khoảng 2 triệu khách hành hương (năm 2008, đón gần 1,8 triệu lượt khách). Đặc biệt, trong ngày khai hội hôm nay, ước khoảng 5 vạn lượt khách hành hương về Yên Tử.

 

Về với cõi thiêng Yên Tử, du khách cùng dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc, vị Vua Phật của Việt Nam, cảm nhận tấm lòng của phật tử Trúc Lâm, những phật tử nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

 

Mạnh Tú
TTXVN