1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cơ quan thuế không được điều tra thuế

(Dân trí) - Ngày 22/11, 5 dự án luật cuối cùng trong số 11 dự án luật trình Quốc hội lần này đã được thông qua. Đáng chú ý nhất là việc Quốc hội bỏ qui định giao việc “Điều tra trốn thuế, gian lận thuế” cho cơ quan quản lý thuế.

Các biện pháp điều tra trong dự thảo luật chưa đủ mạnh

 

Sau khi các đại biểu  thảo luận ở nhiều góc độ khác nhau như: tình hình gian lận thuế, trốn thuế; kết quả và những hạn chế trong hoạt động thanh tra về thuế; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành… nhiều ý kiến cho rằng, nhóm các biện pháp điều tra nêu trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại phiên họp trước chưa đủ mạnh, thậm chí còn nhẹ hơn các biện pháp quy định cho Thanh tra chuyên ngành trong pháp luật thanh tra và các biện pháp quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

 

Ngoài ra, ở nước ta hịên nay, điều tra hành chính còn là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu kỹ, còn ý kiến khác nhau về nội dung, phạm vi, mối quan hệ với điều tra hình sự,…

 

Tiếp thu ý kiến này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ quy định về “Điều tra trốn thuế, gian lận thuế”, trong dự thảo Luật quản lý thuế. Thay thế quy định về: “Điều tra trốn thuế, gian lận thuế” bằng quy định “Biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế”.

 

Luật cũng qui định một số biện pháp mạnh cho Thanh tra chuyên ngành thuế, trong đó qui định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp.

Trong quá trình thu thập thông tin bằng trả lời trực tiếp, thanh tra viên thuế phải lập biên bản làm việc và được ghi âm, ghi hình công khai”.

 

Luật quản lý thuế đã được QH thông qua với 83,13% tán thành. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2007

 

Cấm lạm dụng hộ khẩu

 

Vấn đề được quan tâm nhất của Luật cư trú là tình trạng lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền  và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong phiên thảo luận, có ý kiến đề nghị cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú.

 

Tuy nhiên, theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội có nhiều trường hợp phải căn cứ vào việc đăng ký thường trú (hộ khẩu) của công dân để thực hiện một số quyền khác như quyền bầu cử, ứng cử, thực hiện chế độ bảo hiểm, giao đất để sản xuất theo hộ gia đình,… Do đó, không thể cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú được.

 

Để khắc phục tình trạng lạm dụng hộ khẩu, Luật mới được thông qua  bổ sung một điều (Điều 41) với nội dung: “Chính phủ chỉ đạo cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu để tự mình hoặc kiến nghị, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.

 

Luật Cư trú đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2007

 

Ngoài hai luật Cư trú và Luật Quản lý thuế, Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật Đê Điều, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Công chứng. Như vậy, Quốc hội đã thông qua toàn bộ 11 dự án luật được trình Quốc hội trong kỳ họp lần này.

 

Đức Hoà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm