1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cơ quan chức năng “mất tích” sau vụ cháy trung tâm thương mại?

(Dân trí) - Ba ngày sau khi vụ cháy xảy ra, phóng viên các cơ quan báo chí vẫn chưa thể tiếp cận được với cơ quan chức năng. Từ chính quyền tỉnh đến cơ quan công an, PCCC, ban quản lý chợ... Mọi cánh cửa công quyền đều đóng chặt trước những thắc mắc của dư luận.

Phóng viên không thể gặp được lãnh đạo công an!

 

Sau vụ đại hỏa hoạn thiêu rụi cả trung tâm thương mại Hải Dương, Bộ Công an đã có thông tin chính thức về vụ cháy. Theo đó, Công an PCCC Hải Dương nhận được thông tin lúc 3h25’ ngày 15/9 và đã huy động tối đa phương tiện ứng cứu. Vì phương tiện mỏng nên lực lượng PCCC Hải Dương đã gọi thêm hỗ trợ của tỉnh Hưng Yên và một số doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác khám nghiệm hiện trường đang được tiến hành để xem xét nguyên nhân gây ra vụ cháy.
 
Phóng viên không thể gặp được lãnh đạo công an, lãnh đạo tỉnh


Phóng viên không thể gặp được lãnh đạo công an, lãnh đạo tỉnh

Phóng viên không thể gặp được lãnh đạo công an, lãnh đạo tỉnh 

 

Tiểu thương Nguyễn Văn Hạo phản ứng: Nói PCCC thiếu phương tiện là phủi trách nhiệm sao? Tại sao cháy lúc 1h, dân gọi hàng trăm cuộc điện thoại không ai nghe máy? Tiểu thương phải lấy xe máy lên tận trụ sở PCCC đập cửa thì mới báo được? Đề nghị bên viễn thông cung cấp nhật ký gọi đến số của cơ quan PCCC Hải Dương để làm rõ trách nhiệm. 

 

Để tìm hiểu thông tin vụ việc, PV Dân trí đã  đã tìm tới Công an tỉnh Hải Dương nhưng gặp phải sự cản trở quyết liệt. Một cán bộ tên Dũng nói: Báo chí vào đưa tin là tốt. Đây là cách giáo dục về ý thức phòng cháy chữa cháy tốt nhất. Nhưng không tiếp nhà báo có thẻ mà chỉ làm việc khi có giấy giới thiệu của lãnh đạo công an tỉnh.

 

Theo chỉ dẫn của cán bộ này, chúng tôi lên trụ sở Công an tỉnh Hải Dương gặp ông chánh văn phòng xin giấy giới thiệu “tác nghiệp” nhưng tới nơi thì vị chánh văn phòng này bận họp, PV chờ gần 1 tiếng không có kết quả, liên lạc với Đại tá Phạm Văn Loan - Phó Giám đốc phụ trách - thì nhận được câu trả lời: “Tôi đang bận bù đầu lên. Tôi không có thời gian, tôi đã ủy quyền cho Đại tá Nguyễn Đức Hiển - PGĐ CA tỉnh. Các anh cứ gọi cho anh Hiển”.

 

PV kiên trì ngồi ở phòng trực ban của CA tỉnh Hải Dương liên lạc với Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng để được gặp ông Hiển nhưng… thất bại.

 

Cán bộ chỉ thích làm việc bằng văn bản?

 

Trước đó, tại buổi đối thoại với hơn 500 tiểu thương bị thiệt hại trong hỏa hoạn, dù mất mát của dân quá lớn nhưng không hề có mặt bất cứ vị lãnh đạo cấp tỉnh nào. Cuộc họp do Phó Chủ tịch thành phố Hải Dương chủ trì trên tinh thần chia sẻ và “báo cáo lên cấp trên”. Hàng loạt câu hỏi, khúc mắc, truy vấn của tiểu thương liên quan đến trách nhiệm của ban quản lý trung tâm và PCCC đều không có câu trả lời.

 

PV liên lạc xin được gặp, làm việc với UBND tỉnh qua điện thoại, ông Hoàng Mai Khương - Chánh văn phòng UBND tỉnh nói: “Tôi bận đi công tác”. PV Dân trí mong ông ủy quyền lại cho người khác hoặc bố trí giúp cho PV gặp lãnh đạo thì ông Khương cương quyết: “Muốn hỏi về vấn đề gì đề nghị các anh chị có công văn gửi cho chúng tôi”.
 
Dân bức xúc hỏi bảo vệ, PCCC ở đâu khi trung tâm bị cháy?
Dân bức xúc hỏi bảo vệ, PCCC ở đâu khi trung tâm bị cháy?

 

Hình như vị chánh văn phòng này có “sở thích” làm việc qua văn bản. Bởi cách đây không lâu, trong vụ hàng chục xe buýt “dàn trận” gây xôn xao dư luận Hải Dương, PV Dân trí liên hệ làm việc với UBND tỉnh, ông Khương cũng trả lời tương tự.

 

Dân biết nghe ai?

 

Ngay trong ngày xảy ra vụ cháy trung tâm thương mại, PV Dân trí đã có trao đổi nhanh tại hiện trường với ông Nguyễn Tiến Phụng - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương, ông Phụng cho biết, hàng năm thành phố đều đầu tư một khoản tiền lớn cho ban quản lý chợ mua sắm thiết bị và tập huấn phòng chống cháy nổ tại trung tâm. Nhưng khi có cháy thì họ lúng túng không biết làm gì, kể cả công tác báo cháy. Ông Phụng khẳng định, trách nhiệm của bảo vệ đêm là phải canh phòng, kiểm tra điện và thường xuyên tổ chức đi tuần cả phía trong trung tâm.

 

Về phần mình, Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, lại khẳng định: Lỗi là do báo cháy quá chậm, khi cứu cháy đến thì lửa đã cháy to rồi. Cháy chợ thì rất lớn và khó dập. “Bảo vệ thì chỉ ở phía ngoài thôi, bên trong họ khóa hết cửa nên có được vào đâu mà biết cháy sớm”.

 

Trong khi hơn 500 tiểu thương đang chịu nỗi đau chất ngất, sự “mất tích” của cơ quan chức năng cũng như cách trả lời vòng vo, mâu thuẫn của các vị lãnh đạo khiến bà con càng bất bình, đau đớn.

 

Thu Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm