Cơ quan báo chí không thể đơn độc trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền
(Dân trí) - Tại phiên tọa đàm của Diễn đàn Báo chí 2024, Tổng biên tập Báo Dân trí cho rằng, dù có quyết tâm và đầu tư tới đâu, một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền.
Chiều 16/3, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 tiếp tục thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số. Trong đó, phiên thảo luận về "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" là một trong số những nội dung đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ báo giới và công chúng, khi các đại biểu đã nói lên thực trạng và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nhức nhối đối với đội ngũ người làm báo nói riêng và toàn xã hội nói chung thời gian qua.
Trong phần trình bày tham luận tại diễn đàn, Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập Báo Dân trí, đề cập tới vấn nạn vi phạm bản quyền của báo chí trên các nền tảng mạng xã hội đang bùng nổ trong 3 năm gần đây (2021-2023). Không chỉ liên quan tới việc tự ý sử dụng chất xám, công sức của đội ngũ người làm báo để trục lợi, những vi phạm này còn tiềm ẩn những hậu quả to lớn không thể lường trước tới xã hội.
"Báo Dân trí đã theo dõi rất kỹ vấn đề này và phát hiện rất nhiều trường hợp, hình thức, cách thức vi phạm đa dạng, tinh vi. Nhiều bài viết trên Báo Dân trí được đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm rất kỳ công nhưng sau chỉ ngay sau khi đăng tải, những tác phẩm này lập tức xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội", Tổng biên tập Phạm Tuấn Anh dẫn chứng.
Những tác hại không thể lường trước
Mở đầu phiên thảo luận, Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật TPHCM, cho biết, theo Quyết định 348 của Thủ tướng về phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí, đến năm 2030 tất cả cơ quan báo chí phải đưa nội dung lên nền tảng số. Để đạt được mục tiêu này, vi phạm bản quyền báo chí là một trong những thách thức lớn.
"Nếu không bảo vệ được bản quyền báo chí thì không thể khuyến khích các cơ quan đầu tư cho nội dung chất lượng. Việc ngăn chặn, ăn cắp, giả mạo nội dung báo chí cũng góp phần ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin sai lệch, xuyên tạc", ông Hiển bày tỏ.
Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập Báo Dân trí đã điểm lại các trường hợp vi phạm bản quyền chủ yếu. Có thể kể đến là các trang mạng xã hội trích xuất nguyên văn bài báo mà không ghi nguồn. Một hình thức phổ biến khác là cắt cúp nội dung, hình ảnh, loại bỏ logo Báo Dân trí để đăng tải lên mạng xã hội như một tác phẩm của họ, hoặc ghi nguồn tổng hợp không rõ ràng.
"Trong số các trường hợp vi phạm bản quyền, có những cái tên quen thuộc là hội nhóm, trang mạng xã hội là Theanh28, Không sợ chó, Hà Nội 24h. Mỗi tháng, chúng tôi phát hiện hàng chục trường hợp như vậy và áp dụng nhiều biện pháp để xử lý", Nhà báo Phạm Tuấn Anh thông tin.
Lãnh đạo Báo Dân trí cũng nêu thực trạng, trong số các nền tảng vi phạm bản quyền báo chí, Facebook và TikTok là những nền tảng chủ yếu. Gần đây, định dạng video ngắn trên những nền tảng này đã xuất hiện nhiều nội dung khai thác, cắt ghép từ thông tin đăng tải ở các tờ báo.
Điểm cần lên án đầu tiên là các trang xã hội đó có lượng người xem, người theo dõi lớn, kéo theo lượng doanh thu lớn. Tuy nhiên, lượng doanh thu ấy lại đến từ công sức của các cơ quan báo chí, của đội ngũ những người làm báo.
Nhưng nghiêm trọng hơn, một số trường hợp đã cắt ghép nội dung, mạo danh cơ quan báo chí trên mạng xã hội. Với lượng người xem lớn, sức lan tỏa nhanh của mạng xã hội, những nội dung không chính thống ấy dễ định hướng và tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Trong phần thảo luận bàn tròn, Nhà báo Phạm Tuấn Anh cũng làm rõ những cách thức vi phạm bản quyền báo chí một cách tinh vi thời gian qua. Không còn đơn thuần là sao chép một nội dung, một hình thức, các chủ thể vi phạm còn cắt ghép video, text, pha trộn nhiều loại hình báo chí với nhau để đăng tải lên mạng xã hội.
"Có thể nói, việc vi phạm bản quyền tồn tại phổ biến nhất trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm tới các trang tin điện tử. Theo quy định, họ không được sản xuất nội dung nhưng được dẫn lại từ các cơ quan báo chí cho phép, chấp thuận bằng văn bản. Một số trang thông tin điện tử có dấu hiệu nhập nhèm giữa việc cho phép và không cho phép, họ vẫn lấy nội dung, cắt ghép nội dung bằng cách này hay cách khác", Tổng biên tập Báo Dân trí nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh niên, nêu quan điểm, hiện tượng vi phạm bản quyền báo chí của các trang tin, mạng xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí. Trong khi đó, chế tài cho hành vi vi phạm bản quyền còn rất yếu ớt.
"Bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà nó là một phần của hệ sinh thái báo chí - truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí. Sự suy yếu trong bảo vệ bản quyền báo chí có hậu quả tai hại hơn nữa bởi vào lúc này, các cơ quan báo chí trong nước còn chưa kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh để có nguồn doanh thu thay thế báo in", ông Toàn phân tích.
Cần có liên minh chống vi phạm bản quyền
Trong số các giải pháp được đưa ra để bảo vệ quyền lợi của các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo trước vấn nạn vi phạm bản quyền, Tổng biên tập Báo Dân trí nhấn mạnh, dù có quyết tâm và đầu tư tới đâu, một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng này. Do đó, một liên minh hoặc trung tâm bảo vệ bản quyền, có sự tham gia của các cơ quan báo chí, công nghệ, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm được hình thành.
Thời gian qua, Báo Dân trí đã áp dụng nhiều giải pháp, kết hợp với các biện pháp công nghệ và tình trạng vi phạm bản quyền đã được kéo giảm tương đối. Khi hệ thống phát hiện vi phạm, báo đã liên hệ trực tiếp và yêu cầu các đối tượng khắc phục, gỡ bỏ, điều chỉnh.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ, cảnh báo khi tin bài bị sao chép mà chưa được đồng ý. Hiện Báo Dân trí áp dụng cách thức ủy quyền cho bên thứ 3 (luật sư, tổ chức hành nghề luật, đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép) nhằm thay mặt để bảo vệ quyền lợi một cách chuyên nghiệp nhất.
"Đây là cách thức mà chúng tôi đang tiến hành và như đã dẫn chứng ở trên, phần nào đang có những hiệu quả tích cực", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Ngoài việc các cơ quan báo chí chủ động đấu tranh một cách công khai, trực diện với hành vi vi phạm bản quyền, Tổng biên tập Báo Dân trí mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số vụ việc vi phạm có tính chất nghiêm trọng, có mức chế tài đủ tính răn đe để tình trạng này được đẩy lùi.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật TPHCM, thông tin, nhiều năm trước, một số liên minh giữa các cơ quan báo chí lớn đã manh nha thành lập nhằm bảo vệ quyền tác phẩm, chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền. Thế nhưng đến nay, một liên minh đủ mạnh vẫn chưa thể hình thành.
Đây là điều khiến những người làm báo và các cơ quan báo chí còn khá cô độc trong bảo vệ bản quyền và những nỗ lực thời gian qua còn chưa mang lại hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh niên, cũng cho rằng, cần sớm hình thành một liên minh bản quyền báo chí. Đây phải là liên minh của tất cả cơ quan báo chí để mang lại hiệu lực thực tế.
Bên cạnh đó, liên minh này cần có sự liên kết giữa cơ quan báo chí với cơ quan bảo vệ pháp luật, doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.
"Liên minh phải thống nhất được những "luật chơi" có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền "bảo chứng" cũng như đứng ra làm "trọng tài" phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài", Tổng biên tập Báo Thanh niên góp ý.
Sau 10 phiên thảo luận trong 2 ngày, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã bước vào phiên bế mạc. Sự kiện có ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng dự.
Phát biểu tại phiên bế mạc của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024, Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã tập trung thảo luận 10 vấn đề trọng yếu của báo chí Việt Nam. Các phiên thảo luận có sự tham gia của 60 diễn giả, khách mời và hàng nghìn người theo dõi.
Trong đó, phiên thảo luận về "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã đề cập tới thách thức lớn là nạn vi phạm bản quyền nội dung số. Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí, thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số.
Ông Lê Quốc Minh nhận định, cuộc thảo luận đã đặt ra các vấn đề đối với hệ thống văn bản pháp luật về tác giả, quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn một số bất cập, phân tán. Dưới góc độ khác, người làm báo và các cơ quan báo chí cũng còn lúng túng, chưa thật sự quyết liệt trong bảo vệ quyền lợi của mình.
Các diễn giả, khách mời cũng thảo luận về các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền báo chí trong môi trường số, nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí.