Đề xuất bỏ VKSND cấp cao và cấp huyện, tăng số kiểm sát viên VKSND Tối cao

Hoài Thu

(Dân trí) - VKSND Tối cao đề xuất sắp xếp lại bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp thành 3 cấp, đồng thời nâng số kiểm sát viên VKSND Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người, để bảo đảm nguồn nhân lực.

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có Kết luận 136 về Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND theo định hướng không tổ chức cấp huyện, nêu rõ: "Hệ thống VKSND tổ chức 3 cấp gồm VKSND Tối cao, VKSND tỉnh và VKSND khu vực. Kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và cấp huyện".

Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII hồi giữa tháng 4 cũng nêu rõ việc thống nhất với định hướng trên.

Cân nhắc thận trọng việc tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến, để thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, hệ thống VKSND được tổ chức, sắp xếp lại gồm VKSND Tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

Đề xuất bỏ VKSND cấp cao và cấp huyện, tăng số kiểm sát viên VKSND Tối cao - 1

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).

Cho rằng mục đích, phạm vi, quan điểm và nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND lần này đủ điều kiện để xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, VKSND Tối cao chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Quan điểm được ông Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh là lần này chỉ sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy mới.

VKSND Tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 3 điều, trong đó, điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND.

Trong điều này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bãi bỏ một số điều liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Dự thảo luật cũng sửa đổi theo hướng nâng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người, để bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND và việc tổ chức hệ thống VKSND có 3 cấp (Tối cao, cấp tỉnh và khu vực); kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và cấp huyện.

Đề xuất bỏ VKSND cấp cao và cấp huyện, tăng số kiểm sát viên VKSND Tối cao - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).

Dự thảo Luật quy định số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao không quá 27 người thay vì 19 người như hiện hành, song cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất này chưa phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cấp trên, nhất là dồn án lên cấp Trung ương.

Do đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng, kiểm sát viên VKSND Tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý, cơ quan thẩm tra đề nghị VKSND Tối cao thực hiện thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Bộ Chính trị.

Chỉ sửa quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND

Thảo luận nội dung này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đồng tình tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao vì khối lượng công việc ở cấp này khá lớn. Dù vậy, việc này cần báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, theo lời bà Nga.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới đề nghị làm rõ thẩm quyền thành lập cơ quan khu vực (VKSND, TAND, cơ quan điều tra hình sự) đảm bảo thống nhất, tránh việc VKSND khu vực thì 10 xã mà TAND lại 11 xã, cơ quan điều tra 12 xã.

Đề xuất bỏ VKSND cấp cao và cấp huyện, tăng số kiểm sát viên VKSND Tối cao - 3

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới (Ảnh: Hồng Phong).

Ông cũng cho rằng dự luật tác động rất lớn đến người dân, liên quan đến khiếu nại, tố cáo, tin báo tố giác tội phạm và quy trình tố tụng nên cần có sự tuyên truyền sâu rộng cho người dân.

Cho biết dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nêu "không có cơ quan điều tra của VKSND Tối cao", nhưng dự thảo Luật Tổ chức VKSND không đề cập vấn đề này, ông Tới đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra làm rõ.

Giải đáp băn khoăn trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết việc thành lập VKSND và TAND khu vực tại các luật về tổ chức VKSND, TAND, sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

TAND, VKSND sẽ thống nhất với nhau về phạm vi lãnh thổ, địa hạt tư pháp, kể cả đồng bộ nơi đặt trụ sở của các cơ quan cấp khu vực này.

Với vấn đề không tổ chức cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao, ông Tùng cho hay đây là nội dung được đề xuất tại dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Khi thẩm tra, nội dung này vẫn còn 2 luồng ý kiến và đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Đề xuất bỏ VKSND cấp cao và cấp huyện, tăng số kiểm sát viên VKSND Tối cao - 4

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Hồng Phong).

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 tới đây theo quy trình thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phạm vi sửa đổi đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.

Về bổ sung kiểm sát viên VKSND Tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản ủng hộ và đề nghị VKSND Tối cao báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.