1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Có những dự án ở Hà Nội 10 năm mới làm được một ngôi nhà, cỏ mọc lút đầu"

Quang Phong

(Dân trí) - Đề cập đến vấn đề lãng phí đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nên dẫn chứng ngay ở Hà Nội có khu đô thị 10 năm nay mới làm được một ngôi nhà, còn cỏ dại mọc lút đầu.

Chiều 24/3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quan tâm. Do vậy, ông đề nghị làm rõ vì sao đến ngày 23/3 vẫn còn 32 Bộ ngành, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh chưa báo cáo về vấn đề này.

"Những nơi nào không báo cáo đầy đủ phải có biện pháp xử lý để đảm bảo kỷ cương", ông Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đoàn giám sát cần tập trung vào những nội dung "nóng" được dư luận quan tâm. Đặc biệt trong đó là những dự án thuộc các ngành giao thông, dầu khí, những dự án sử dụng vốn ngân sách không hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đoàn giám sát giám sát 12 dự án thua lỗ, không có khả năng thu hồi vốn hiện nay như thế nào.

Có những dự án ở Hà Nội 10 năm mới làm được một ngôi nhà, cỏ mọc lút đầu - 1

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, ngay ở Mê Linh (Hà Nội) cả khu đô thị chỉ có một ngôi nhà mà 10 năm nay vẫn như vậy.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đợt giám sát này được cử tri, nhân dân rất quan tâm. Do vậy, đoàn giám sát phải chỉ rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt, cần có ví dụ điển hình. "Có những báo cáo lúc đầu nói rất rõ ràng. Thế nhưng qua các cuộc họp, được trau chuốt lại, cuối cùng ra cái báo cáo chung chung", bà Lê Thị Nga nói và cho rằng chỉ khi nào nêu rõ trách nhiệm cụ thể thì mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, gợi ý đoàn giám sát cần tập trung vào ba điểm nhấn đang được dư luận quan tâm. Cụ thể:

Thứ nhất, đó là vấn lãnh phí đất đai do dự án treo. Bà Nga nêu dẫn chứng ngay ở TP Hà Nội có những khu đô thị 10 năm nay làm được một ngôi nhà, còn lại là cỏ mọc lút đầu. "Nếu đoàn giám sát đi thì sẽ thấy nhiều nơi như thế. Ngay ở Mê Linh (Hà Nội) cả khu đô thị chỉ có một ngôi nhà mà 10 năm nay vẫn như thế, cỏ mọc đầy, dự án không nhúc nhích", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay.

Vấn đề thứ hai, bà Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát vào cuộc đó là các dự án "phơi nắng, phơi sương", đặc biệt trong đó là 12 dự án thua lỗ đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra. Bà Nga đề nghị đoàn giám sát đi khảo sát thực tiễn để xem xét còn dự án nào dở dang nữa hay không. "Đây cũng là hình thức lãng phí rất lớn", bà Nga nói thêm.

Một vấn đề nữa bà Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát quan tâm đó là việc quản lý, sử dụng tài sản công. Theo bà Nga, qua giám sát cho thấy vẫn còn cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức. Ngoài ra, việc sắp xếp lại các trụ sở của các Bộ ngành, địa phương và khối doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng với quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, ông cho rằng báo cáo cần phải quy trách nhiệm cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, còn nếu làm chung chung thì không có tác dụng.

"Hiện nay, còn bao nhiêu dự án treo, có thu hồi được không? Nhiều địa phương muốn thu hồi nhưng do áp lực nên không thực hiện được. Lần này, Quốc hội ra nghị quyết thu hồi liệu có chuyển biến không?", Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các đoàn giám sát "cứ nhắm vào việc chống lãnh phí mà làm", bởi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm