1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Có mã số định danh, mỗi năm tiết kiệm 1.600 tỷ đồng

(Dân trí) - “Quản lý công dân bằng dữ liệu sẽ giảm tối thiểu các loại giấy tờ như khai sinh, sổ hộ khẩu… Mỗi người có số định danh, khi đi làm thủ tục hành chính không phải kê khai, nộp các bản sao, ước tính tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm”,

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn trao đổi với báo chí về Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn (ảnh Chinhphu.vn)
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn (ảnh Chinhphu.vn)

Lợi ích cụ thể người dân được hưởng đề án hướng đến là gì? Khi đề án được đi vào cuộc sống, hàng loạt thủ tục hành chính (TTHC) gây nhiều khó khăn cho nhân dân có được giảm bớt không, thưa ông?

Mục tiêu hướng đến đầu tiên của đề án này chính là đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC.

Mỗi người dân sẽ có một số định danh cá nhân, khi thực hiện TTHC, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện TTHC chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân. Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện giản hóa tối thiểu 1.300 TTHC có yêu cầu khai thông tin công dân hoặc xuất trình/nộp bản sao/nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân sẽ giúp tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.

Cơ quan nhà nước quản lý công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm tối thiểu một số loại giấy tờ như giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử. Việc các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp tiếp tục giảm các giấy tờ khác như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…

Cấp mã số định danh cho gần 90 triệu dân và rồi quản lý nó thống nhất trong hàng loạt lĩnh vực là không hề đơn giản?

Thực hiện đề án này sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, với quy mô dân số gần 90 triệu dân, việc thu thập, nhập thông tin của công dân để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc bảo đảm nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là một thách thức đối với Chính phủ.

Thứ hai, để phương án đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống, theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, cần thực hiện sửa đổi, bổ sung tối thiếu 178 văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, việc rà soát TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thường không chỉ thuộc phạm vi chức năng quản lý của một bộ, ngành, vì vậy, để thực hiện Đề án đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.

Với hàng loạt thách thức ông vừa chỉ ra, vậy mục tiêu đến năm 2020 sẽ cấp số định danh cá nhân cho toàn dân có thực hiện được không?

Phải khẳng định rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân là việc cần được khẩn trương triển khai mới có thể khắc phục được triệt để các hạn chế, bất cập trong quản lý dân cư; đồng thời tạo nên bước chuyển lớn trong việc cấp giấy tờ công dân và giải quyết TTHC cho công dân.

Khó khăn lớn nhất của việc này chính là nguồn lực về tài chính và con người. Đề án đã đưa ra bài toán để giải quyết vấn đề này khi đưa ra vấn đề ưu tiên cấp kinh phí cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giao hai ngành Công an và Tư pháp cùng triển khai cấp số định danh cá nhân để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Khi người dân có mã số định danh sẽ giảm được rất nhiều thủ tục hành chính

Khi người dân có mã số định danh sẽ giảm được rất nhiều thủ tục hành chính

Trong quá trình xây dựng đề án, đã có ý kiến cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư theo đề án này gây lãng phí khi Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Trong quá trình xây dựng đề án, do có sự hiểu nhầm, cho rằng đề án này đưa ra nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư độc lập với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Chính phủ đang giao Bộ Công an xây dựng, chính vì vậy, mới có ý kiến như phản ánh. Tôi khẳng định nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại đề án này chính là nhiệm vụ Chính phủ đang giao cho Bộ Công an thực hiện nhưng với yêu cầu không chỉ dừng lại ở mục tiêu quản lý nhà nước về dân cư mà phải đặt ưu tiên trên hết đó chính là việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.

Việc Thủ tướng phê duyệt để triển khai đề án này có phải là bước đột phá trong cải cách hành chính?

Những thông tin cơ bản về công dân của gần 90 triệu người dân sẽ được số hóa, điện tử hóa và chia sẻ chung để các ngành, các cấp cùng khai thác và sử dụng, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời giúp thay đổi thói quen làm việc thủ công, cát cứ, cục bộ của cơ quan hành chính nhà nước trong phục vụ nhân dân. Người dân khi thực hiện thủ tục hành chính sẽ không phải đi lại nhiều lần hoặc phải xuất trình, phô tô, công chứng, chứng thực những giấy tờ chứa đựng những thông tin về bản thân mình và gia đình đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
 
Xin cảm ơn ông!

Quang Phong