1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cô lập cả đoạn sông Sài Gòn phục vụ công tác dìm hầm Thủ Thiêm

(Dân trí)- Từ bãi đúc đến vị trí dìm hầm có 11 chốt cảnh giới nhằm ngăn chặn các phương tiện đi vào “khu vực cấm”. Cả đoạn sông sẽ bị cô lập nên mong muốn được xem truyền hình trực tiếp một trong những kỹ thuật thi công khó nhất thế giới này khó được đáp ứng.

Trong buổi họp báo công bố kịch bản lai dắt, lắp đặt đốt hầm dìm số 1 của hầm dìm Thủ Thiêm chiều ngày 5/3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước cho biết: “20 đơn vị liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành lai dắt và dìm đốt hầm đầu tiên của hầm dìm Thủ Thiêm, một phần của dự  án Đại lộ Đông Tây. Chúng tôi sẽ không để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến công tác dìm hầm”.

 

Ông cho biết thêm: “Ngày 6/3 chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy… và tiến hành kéo giả định đốt hầm giả để tập luyện công tác phối hợp giữa các bộ phận. Các đội sẽ tập luyện phối hợp với nhau neo đậu, đội hình di chuyển, các chốt cảnh giới…”.
 
Cô lập cả đoạn sông Sài Gòn phục vụ công tác dìm hầm Thủ Thiêm  - 1

Lộ trình đoàn lai dắt (những chỗ khoanh tròn là những vị trí cảnh báo nguy hiểm)

Để đảm bảo an toàn cho hành trình lai dắt, ban chỉ đạo thực hiện lai dắt, thi công các đốt hầm dìm sẽ bố trí 11 chốt cảnh giới suốt đoạn đường từ bãi đúc cho đến vị trí dìm hầm. Các chốt cảnh giới này sẽ làm nhiệm vụ ngăn chặn các phương tiện di chuyển vào khu vực lai dắt và dìm hầm. Ông Phúc cho biết: “Cả đoạn sông này sẽ bị cô lập”.

 

Cụ thể, đoạn từ bãi đúc đến ngã ba sông Sài Gòn (còn gọi là ngã ba Đèn Đỏ) nhờ mặt sông khá rộng nên sẽ tổ chức lưu thông theo từng khu vực, vận tốc di chuyển của đoàn lai dắt trên đoạn sông này dự kiến là 3 hải lý/giờ (khoảng 5,5 km/giờ).

 

Đoạn từ ngã ba sông Sài Gòn về đến vị trí đánh chìm đốt hầm (khu vực Mỹ Cảnh - Thủ Thiêm) do mặt sông khá hẹp, nhiều đoạn sông uốn cong nên cấm tất cả các phương tiện lưu thông khi lai dắt đốt hầm qua đoạn này, vận tốc đoàn lai dắt dự kiến là 2 hải lý/giờ (khoảng 3,7km/giờ).

 

Do vậy, ông Phúc cũng cảnh báo: “Các phóng viên, người ham thích chụp hình hay người dân hiếu kỳ không nên thuê các phương tiện đường thủy tiếp cận vị trí đoàn lai dắt hay vị trí thi công dìm hầm. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến công tác lai dắt và thi công”.

 

Do mức độ quan tâm lớn của cộng đồng đối với công tác dìm hầm này nên gần 50 phóng viên chen kín phòng họp báo. Nhiều phóng viên đề nghị phỏng vấn kỹ sư thi công, tiếp cận hiện trường thi công… đều bị ban tổ chức từ chối.

 

Ông Phúc giải thích: “Nếu có phóng viên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhân viên thi công. Mà chúng tôi không thể để bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến công tác dìm hầm lần này. Đây không chỉ là công trình quan trọng của TPHCM mà còn là của cả nước. Nếu có sơ suất gì, thành phố sẽ bị khiển trách”.
 
Cô lập cả đoạn sông Sài Gòn phục vụ công tác dìm hầm Thủ Thiêm  - 2
Phóng viên chen kín phòng họp báo

 

Do đó, mong muốn được xem truyền hình trực tiếp hay cận cảnh công tác lai dắt và dìm hầm của đông đảo độc giả sẽ khó được đáp ứng. Tuy nhiên, ông Phúc cho biết là UBND TPHCM có phân công nhiều đơn vị tổ chức ghi hình công tác lai dắt bằng trực thăng, đội ngũ người nhái sẽ ghi hình công tác lắp đặt hầm dưới đáy sông để làm tư liệu. 

 

Như vậy, khi phim tư liệu hoàn chỉnh, người dân vẫn có cơ hội được xem phim tư liệu công tác lai dắt và thi công lắp đặt hầm dìm Thủ Thiêm, một trong những kỹ thuật thi công khó nhất trên thế giới lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

 

Dự kiến đoàn lai dắt sẽ khởi hành lúc 7h ngày 7/3 tại bãi đúc và đến vị trí lắp đặt lúc 13h cùng ngày. Đến 9h ngày 8/3, đơn vị thi công sẽ tiến hành dìm hầm, lắp đặt đốt hầm dìm số 1 vào vị trí. Giai đoạn này, mọi phương tiện vận tải thủy đều bị cấm hoạt động quanh khu vực thi công (đoạn Mỹ Cảnh - Thủ Thiêm).

 

Ông Phúc tiết lộ: “Ấn tượng nhất là lúc đánh chìm hầm dìm. Lúc đó, đốt hầm dìm khổng lồ sẽ từ từ chìm dần xuống sông cho đến lúc chạm đáy, chỉ còn nhô lên hai ống thông gió”.

 

Tùng Nguyên