Tiết lộ phương án dìm 4 đốt hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 7/3 tới, đốt hầm đầu tiên của hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn sẽ được lai dắt từ bãi đúc ra vị trí thi công hầm và dìm xuống lòng sông. Phương án kỹ thuật đã được thông qua, chỉ chờ ngày thực hiện.
Kéo 100.000 tấn bê tông trên mặt sông
Hầm dìm Thủ Thiêm thuộc dự án Đại lộ Đông Tây có tổng chiều dài 1.490m, bao gồm 1.120m lối vào hầm, nhánh và miệng hầm; phần hầm dìm dài 370m với 4 đốt hầm dìm. Mỗi đốt hầm dài 92,4m, cao 9,1m, rộng 33,3m, nặng khoảng 25.000 tấn. Như vậy, tổng trọng lượng của 4 đốt hầm bê tông này là khoảng 100.000 tấn.
Sơ đồ cắt ngang bố trí lai dắt hầm
Để lai dắt 4 đốt hầm này, nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đã thuê 4 tàu kéo đặc biệt từ Thái Lan. Các tàu này có chân vịt có thể xoay 360 độ giúp tàu có khả năng quay vòng quanh khi đứng một chỗ, dễ dàng thực hiện công tác lai dắt những khối bê tông khổng lồ trên.
Trong quá trình lai dắt, 4 con tàu sẽ buộc vào 4 góc của mỗi đốt hầm dìm, 2 tàu đi trước kéo, 2 tàu đi sau giữ cho thăng bằng. Ngoài ra, đơn vị thi công còn bố trí thêm 2 tàu kéo đi theo đoàn lai dắt để phòng ngừa sự cố.
Theo đơn vị thi công thì mỗi tháng chỉ có vài ngày dòng nước sông Sài Gòn ổn định. Do đó, ngày lai dắt đã được tính toán chính xác theo điều kiện khí tượng và mỗi tháng chỉ có thể lai dắt, đánh chìm một đốt hầm. Dự kiến đến ngày 5/6/2010 mới dìm hết 4 đốt hầm.
Dìm sâu 12m dưới đáy sông
Khi các đốt hầm dìm đã được lai dắt đến vị trí quy định, nó sẽ được 20 người nhái cân chỉnh đúng vị trí và bơm thêm nước vào để chìm xuống đáy sông.
Vị trí đặt đốt hầm dìm được nạo vét sâu xuống 12m tính từ mặt đáy sông và bơm một lớp cát dày khoảng 1m lót dưới đáy hầm. Đốt hầm dìm sau khi đã nằm đúng vị trí, nước trong thân đốt sẽ được hút ra; song song đó, một lượng bê tông tương ứng sẽ được bơm vào để hầm không bị nổi lên. Lượng bê tông này cũng chính là lớp mặt hầm cho xe lưu thông.
Sau khi đã ổn định vị trí, hai bên hầm sẽ được chèn một lớp đá, nóc hầm được đắp một lớp đá dày 1m và lớp đất dày 2m để bảo vệ thân hầm. Sau đó, tháp thông gió trên nóc hầm sẽ được tháo ra, lỗ thông gió được đổ bê tông bịt kín lại.
Do công việc lắp đặt kéo dài và chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện thời tiết và dòng chảy nên công tác đảm bảo an toàn được đặt lên hàng đầu. Trong trường hợp công tác đánh chìm phải dừng lại, các đốt hầm sẽ được neo buộc tạm thời bằng hai cọc ống thép tại khu vực thi công.
Sau khi cả 4 đốt hầm đã được dìm hoàn tất, đơn vị thi công sẽ tiến hành hợp long phần hầm dìm với phần đường hầm dẫn. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 8/2010 sẽ hợp long đốt hầm cuối cùng với đường hầm dẫn phía bờ quận 1.
Hầm dìm vượt sông đầu tiên của Việt Nam này dự kiến sẽ được thông xe kỹ thuật vào quý 1/2011.
Tùng Nguyên