1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Chuẩn bị lắp đặt đốt hầm dìm Thủ Thiêm cuối cùng

(Dân trí) - Theo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây - Môi trường nước, dự kiến ngày 4/6 tới sẽ lai dắt và lắp đặt đốt hầm cuối cùng. Đây là đốt hầm khó dìm nhất trong 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý cho biết: Việc lắp đặt đốt hầm dìm số 4 yêu cầu phải chuẩn bị chu đáo nhất, kỹ thuật cao nhất và khó khăn nhất.

Khó khăn đầu tiên chính là công tác lai dắt đốt hầm từ bãi đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) về vị trí dìm trên sông Sài Gòn. Việc lai dắt đốt hầm cuối cùng này được dự kiến rất khó khăn do TPHCM đang vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường và có thể xảy ra mưa giông, ảnh hưởng đến an toàn của hành trình lai dắt. Do vậy, công tác chuẩn bị neo chằng và các phương án xử lý sự cố đều phải chuẩn bị chu đáo hơn.

“Đoàn lai dắt đốt hầm dìm số 4 sẽ xuất phát vào tầm 7h - 8h tùy vào dòng chảy thực tế, thời điểm nào con nước đạt vận tốc tối ưu nhất sẽ xuất phát. Dự kiến khoảng 13h - 14h, đốt hầm dìm này sẽ về đến vị trí dìm”, ông Phúc nói.
 
Khó khăn thứ 2 là công tác lắp đặt đốt hầm vào vị trí. Do đây là đốt hầm cuối cùng, nó phải nằm giữa đốt số 3 và miệng hầm dẫn phía quận 1. Khi đốt hầm được dìm xuống đáy sông thì nó phải lọt thỏm vào một hố dài 94,25m; trong khi chiều dài đốt hầm đã là 93m.

Như vậy, đốt hầm này chỉ có 1,25m khoảng trống để xê dịch trong điều kiện dòng nước chảy, chưa kể độ nghiêng của đốt số 4 là khá lớn. Do đó, các nhân viên kỹ thuật phải điều chỉnh đốt hầm thật chính xác khi nó được dìm xuống sông, yêu cầu kỹ thuật rất cao và phối hợp nhịp nhàng.

Về việc 3 đốt hầm đã lắp đặt xong có xảy ra hiện tượng thấm nước, ông Phúc cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn đang tiến hành theo dõi. Ở góc độ chủ đầu tư, chúng tôi đặt vấn đề an toàn cho dự án lên trên hết. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát có phương án khắc phục cụ thể và chỉ nghiệm thu khi công trình đáp ứng đúng các yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế”.

Tùng Nguyên