1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Cô gái nhỏ chỉ huy Trung đội gái bắn rơi 2 máy bay Mỹ

(Dân trí) - Không Radar, chỉ với 3 khẩu súng 12 ly 7, trong thời gian 17 ngày, cô gái trẻ Nguyễn Thị Sen khi ấy đã chỉ huy bắn rơi 2 chiếc máy F4H trong màn đêm tối...

Tìm về nhà bà Nguyễn Thị Sen (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong một buổi chiều giữa tháng Tư lịch sử. Dù chiến tranh đã đi qua gần nữa thế kỷ, và người Chỉ huy phó Trung đội gái trực 12 ly 7 ngày ấy, giờ cũng đã ở cái tuổi ngoài 70, nhưng những ký ức về ngày tháng chiến tranh vẫn còn hiện lên rất rõ và không bao giờ bà có thể quên được.

Trong những năm 1967 - 1968, cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc của đế quốc Mỹ càng trở nên ác liệt, Quảng Bình là một trong những trọng điểm của những trận mưa bom, bão đạn. Vì căm thù giặc Mỹ, những cô gái đang ở cái tuổi mười bảy đôi mươi không tiếc tuổi thanh xuân, xương máu của mình xung phong ra trận.

Bà Nguyễn Thị Sen kể lại những chiến tích hào hùng

Bà Nguyễn Thị Sen kể lại những chiến tích hào hùng

Ngày ấy, dọc theo mảnh đất xã Xuân Ninh, bến phà Long Đại, đường 15,… là những nơi đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, hàng ngàn ngôi nhà, trường học, công trình bị bom Mỹ san bằng, hàng trăm người già, trẻ nhỏ và người dân vô tội chết la liệt dưới bom đạn.

Căm thù giặc Mỹ, bà Sen cùng với một số chị em khác trong xã làm đơn tình nguyện xin nhận súng để trực tiếp bắn máy bay địch. Từ đó, Trung đội gái trực 12 ly 7 được thành lập (25/12/1967) gồm 14 người, lớn nhất 24 tuổi, bé nhất 18 tuổi; đa phần đều có chồng đi bộ đội. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Sen được cử làm Trung đội phó và đội của bà được cấp 3 khẩu 12 ly 7.

Hình ảnh những nữ pháo binh anh hùng (Ảnh minh họa)
Hình ảnh những nữ pháo binh anh hùng (Ảnh minh họa)

Khó khăn lớn nhất lúc này là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, chưa có ai được qua lớp huấn luyện về sử dụng súng 12 ly 7. Trước những khó khăn ấy, Trung đội của bà được đơn vị 37C-12.D10 (đóng quân tại bến phà Long Đại) cử người về huấn luyện, và sau 3 tháng tích cực tập luyện, Trung đội đã bắn rơi máy bay giả, lấy được lòng tin của xã nhà. “Lúc đó, nhiều người trong đội còn chột dạ và cho rằng để bắn được máy bay Mỹ là điều không tưởng. Bắn được máy bay giả đã chắc gì bắn được máy bay thật, nhất là đa phần máy bay đều lợi dụng đêm tối để rải bom”, bà Sen bồi hồi nhớ lại.

Nhưng rồi những điều tưởng chừng như không thể ấy cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực khi Trung đội của bà đã bắn hạ được chiếc máy bay đầu tiên. Bà Sen xúc động kể lại: “Đêm hôm đó, vào khoảng giữa tháng 4 năm 1968, quyết không để máy bay tiếp tục hoành hành, tôi cùng Trung đội trưởng là chị Nguyễn Thị Tịch đã chỉ huy Trung đội quyết bắn rơi bằng được máy bay Mỹ. Trong màn đêm tối, chỉ nghe tiếng máy bay gầm rú, cày xới trên bầu trời Xuân Ninh, lúc đó, tất cả đã vào vị trí và đợi hiệu lệnh. Khi nghe tiếng máy bay đến, với sự phán đoán tài tình, hiệu lệnh “bắn” vang lên, một loạt đạn liên hồi khiến chiếc máy bay F4H của Mỹ rơi cách đó gần 4 km và tên giặc lái bị bắt sống”.

Quyết tâm lập chiến công, không quản ngại khó khăn và lòng căm thù giặc càng dâng cao nên mỗi khi bị máy bay phát hiện, người con gái chỉ nặng hơn 40kg (bà Sen - PV) đã vác cả chân súng nặng 62kg băng rừng, đi qua trận địa khác. Trong màn đêm tối, chỉ bằng đôi tai nhanh nhạy và sự thông minh, bà đã phán đoán vị trí của mục tiêu di chuyển để chỉ huy trung đội của mình bắn hạ máy bay.

Với bà Sen, những hình ảnh này sẽ không bao giờ quên trong tâm trí bà

Với bà Sen, những hình ảnh này sẽ không bao giờ phai mờ.

Đúng mười bảy ngày sau, Trung đội gái trực 12 ly 7 lại tiếp tục bắn cháy thêm một chiếc máy bay F4H nữa tại Bắc bến phà Long Đại do bà Sen trực tiếp chỉ huy. Lúc đó, chiếc máy bay cháy rụi, thiêu chết tên giặc lái.

Trước những chiến công rạng ngời, bà Sen được tỉnh cử ra Nam Đàn (Nghệ An) để tham dự Đại hội tổng kết 4 năm chiến tranh trên 3 mặt trận Việt – Miên – Lào và vinh dự hơn, vào 15 tháng 5 năm 1969, bà Sen được chọn ra Hà Nội báo cáo thành tích với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lần này, bà Sen may mắn cùng 21 anh chị em khác được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Khi đó, 9 chị em phụ nữ được thay mặt đoàn lên tặng hoa và báo công với Bác, nhưng Bác chỉ nhận một bó đại diện của bà Sen, bởi bà là người trẻ nhất.

Bà Sen nhớ lại: “Lúc đó tôi thực sự rất hạnh phúc vì vinh dự là người duy nhất được Bác nhận hoa. Trong buổi gặp mặt ấy, Bác đã tiếp kẹo và ân cần hỏi thăm sức khỏe, công việc từng người, nụ cười đôn hậu của Bác càng thêm phần gần gũi, ấm cúng khiến lòng tôi như mừng lên gấp bội”. 

Và có lẽ câu nói của Bác mà đến bây giờ bà Sen cùng những người có mặt lúc đó vẫn không thể nào quên đó là: “Kẹo, chuối Bác cho các cháu, các cháu ăn đi. Nếu ăn không hết thì chia nhau mang về nhà mà ăn. Nhưng, nhớ rằng chia kẹo, chia chuối chứ nước đừng chia”.

Với bà Sen, những hình ảnh này sẽ không bao giờ quên trong tâm trí bà

Do những trận bom đạn xối xả đã làm nhà cửa tan hoang khiến tấm bằng khen, hình ảnh những chiến công vẻ vang của bà Sen bị cháy, giờ chỉ còn sót lại vài tấm giấy khen ít ỏi thời bình

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của các thành viên trong đoàn, Bác đã trao huy hiệu hình Bác cho mọi người. “Lúc cài huy hiệu đến lượt tôi, Bác hỏi: Răng người nhỏ mà chí lớn rứa? Tôi đã nói với Bác rằng: Vì căm thù giặc nên cháu mới làm được thế ạ. Lúc đó, tôi muốn làm được nhiều hơn thế nữa để xứng đáng với tấm lòng của Bác”, bà Sen xúc động nhớ lại.

Giờ đây, hòa bình lập lại trên hai miền Nam Bắc, nhưng bà Sen vẫn không thể nào quên được những năm tháng chiến tranh ác liệt đó. Lúc nào bà cũng căn dặn con cháu phải đoàn kết và ghi nhớ công ơn của những người đã không tiếc xương máu của bản thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, của đất nước. Và điều làm bà vẫn tự hào nhất khi kể với chúng tôi là những chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, những kỷ niệm về Bác, với những lời căn dặn sâu sắc, ý nghĩa của Người.

Văn Lịnh - Đặng Tài