1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Cơ cấu, tổ chức Tổng cục Hải quan sẽ thay đổi ra sao?

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) thông tin, từ năm 2016 đến nay Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát, trình Bộ trưởng Tài chính quyết định thành lập, sắp xếp lại các Phòng, Chi cục Hải quan và đơn vị tương đương theo hướng tinh gọn đầu mối cấp trung gian, đáp ứng yêu cầu quản lý với từng địa bàn.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã giảm 54 đầu mối: Thành lập 9 Chi cục Hải quan và một Chi cục Kiểm tra sau thông quan, một Chi cục Kiểm định hải quan; giải thể 4 Chi cục kiểm tra sau thông quan, 13 Phòng thuộc Vụ; sáp nhập 14 Chi cục Hải quan, 34 Phòng và đơn vị tương đương trực thuộc Cục Hải quan…

Tổng cục này cũng rà soát, sắp xếp giảm được 236 Đội (Tổ) thuộc Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương.

Cơ cấu, tổ chức Tổng cục Hải quan sẽ thay đổi ra sao? - 1

Trụ sở Tổng cục Hải quan ở Hà Nội (Ảnh: VGP).

Hiện Tổng cục Hải quan đang tích cực xây dựng và vận hành mô hình quản lý hải quan thông minh theo hướng tập trung, giảm bớt các khâu trung gian, tinh giảm bộ máy và tạo thuận lợi thương mại cho hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài.

Về tinh giản biên chế, Bộ Tài chính phản ánh từ năm 2015 đến nay biên chế công chức của Tổng cục Hải quan giảm từ 10.667 (năm 2015) xuống còn 10.201 (năm 2024) - giảm 466 biên chế, tương đương 4,37%.

Từ kết quả rà soát, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ nguyên bộ máy của Tổng cục Hải quan với 15 Vụ, đơn vị: Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Công nghệ thông tin và Thông kê hải quan; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Cục Thuế xuất, nhập khẩu; Cục Giám sát quản lý hải quan; Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Tài vụ - Quản trị; Cục Quản lý rủi ro; Cục Kiểm định hải quan; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Trường Hải quan Việt Nam; Viện Nghiên cứu Hải quan.

"Các tổ chức, đơn vị nêu trên đáp ứng tiêu chí thành lập theo Nghị định số 101/2020 và Nghị định số 120/2020 của Chính phủ", Bộ Tài chính lý giải.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất không quy định Đại diện Văn phòng Tổng cục Hải quan tại TPHCM và chuyển đổi mô hình Báo Hải quan thành Tạp chí Hải quan.

Hiện nay cả nước có 35 Cục Hải quan. Theo Bộ Tài chính, qua 7 năm triển khai nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ bản hoạt động ổn định và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Rà soát tiêu chí thành lập cho thấy 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố đáp ứng tiêu chí. Riêng Cục Hải quan tỉnh Cà Mau không đáp ứng tiêu chí thành lập do không đáp ứng tiêu chí kim ngạch và tiêu chí cửa khẩu.

Khẳng định việc tổ chức lại các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh là cần thiết trước yêu cầu thực tiễn và thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng Bộ Tài chính cho rằng "cần theo lộ trình, tránh xáo trộn", ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao.

Dự thảo đề xuất Tổng cục Hải quan có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng, đều do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.

Việc thành lập, sáp nhập, giải thể các Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm