Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa mới

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đơn vị cần nghiên cứu quy định của Đảng để đề xuất định hướng kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và cơ cấu Chính phủ khóa XVI.

Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, chiều 6/8.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ nhiệm kỳ XII đến nhiệm kỳ XV có nhiều nội dung khó, phức tạp, phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng.

Việc này cũng liên quan đến rà soát, điều chỉnh, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, kiện toàn tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ qua nhiều nhiệm kỳ.

Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa mới - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Do đó việc tổng kết đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của các bộ, ngành, trong đó có vai trò rất quan trọng của các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc triển khai nhiệm vụ tổng kết của bộ, ngành mình và ngành, lĩnh vực được Ban Chỉ đạo phân công, để việc tổng kết đảm bảo sát tình hình thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, đạt mục tiêu, kết quả cao nhất.

Yêu cầu xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện tổng kết, có báo cáo trước 31/12, Thủ tướng quán triệt phải phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả", nhằm tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ông yêu cầu có kế hoạch khảo sát mô hình cần tập trung một số nước mang đặc điểm tương đồng về văn hóa, kinh tế, chính trị, điều kiện phát triển với Việt Nam ở châu Á.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổng kết, trình Thủ tướng (Trưởng Ban Chỉ đạo) quyết định ban hành, để tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kết.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan cần xây dựng báo cáo đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ các nhiệm kỳ từ khóa XII đến khóa XV.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý rà soát các vấn đề giao thoa trong quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực, để đề xuất giải pháp khắc phục.

Thủ tướng quán triệt mục tiêu tổng kết phải nghiên cứu, đánh giá có hệ thống, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 4 nhiệm kỳ Chính phủ.

Ông đồng thời chỉ đạo các đơn vị đề xuất giải pháp hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XVI và nhiệm kỳ tiếp theo; lưu ý mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan của hệ thống chính trị.

Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa mới - 2

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, công tác tổng kết phải đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện, nêu được hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đề xuất giải pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm đầu mối bên trong; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường giám sát, kiểm tra; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm tiêu cực…

Về phạm vi tổng kết, Thủ tướng một lần nữa lưu ý rà soát các vấn đề giao thoa về quản lý Nhà nước và phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực.

Đặc biệt, cần nghiên cứu các quy định của Đảng để đề xuất định hướng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ cũng như cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI và giai đoạn tiếp theo.

Bộ Nội vụ được giao tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ của các bộ, ngành.

Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất, theo Thủ tướng, cần báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (Phó Trưởng ban Thường trực) chủ trì xem xét, chỉ đạo.