1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện về những người nửa đêm lao xuống vực cứu hộ

Trời tối đen như mực. Đường dốc gần như thẳng đứng. Vực sâu thăm thẳm... Bỏ qua những nguy hiểm ấy, những công nhân và người dân địa phương lao vào màn đêm cứu những du khách gặp nạn…

Lao vào đêm tối

 

Theo những công nhân nhà máy thủy điện Bắc Bình, thuộc Công ty Cổ phần phát triển Điện lực Việt Nam, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, tai nạn xảy ra vào khoảng 18h50 phút ngày 13/3.

 

Khoảng 19h40 phút cùng ngày, khi công nhân từ Nhà máy Thủy điện Đại Ninh đến báo tin về tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại khúc cua, gần 50 công nhân của cả hai nhà máy thủy điện lao vào màn đêm đến nơi xảy ra tai nạn. 

 

Anh Lê Văn Thúy, công nhân Nhà máy Thủy điện Bắc Bình kể, vách núi nơi xảy ra tai nạn dựng đứng, cây cối um tùm, chằng chịt dây leo. Khi công nhân Nhà máy Thủy điện Bắc Bình và Đại Ninh đến nơi, họ phải leo lên vách núi ở độ cao khoảng hơn 100m mới đến được nơi chiếc xe gặp nạn.

 

Trời tối mù. Phía dưới là vực sâu thăm thẳm nhưng trên tay mỗi người, chỉ có ánh sáng le lói phát ra từ chiếc đèn pin nhỏ. “Lúc ấy, bản năng cứu người trỗi dậy, mọi nỗi sợ hãi đêm tối, rắn rết đều biến mất”- anh Thúy nhớ lại.
 
Chuyện về những người nửa đêm lao xuống vực cứu hộ - 1

Các công nhân công trình thủy điện Bắc Bình, công trình thủy điện Đại Ninh cùng người dân địa phương trắng đêm cứu hộ cứu nạn (Ảnh: Tiến Công)

 

Anh Vũ Văn Trung, người dìu và đưa được 3 vị khách từ trên vách núi xuống vẫn còn thấy cảnh tượng tối qua hiện ra trước mắt. Anh kể, vì đường dốc, núi dựng đứng lại toàn cây cối chằng chịt nên mọi người phải vất vả lắm mới đưa được các nạn nhân xuống núi để sơ cứu rồi đưa đi Bệnh viện huyện Bắc Bình cấp cứu.

 

Du khách người Nga to con và nặng nên ba, bốn người mới dìu, cõng được một nạn nhân xuống đường. Thấy nạn nhân đầm đìa máu, anh em công nhân xé quần, áo của mình để cầm vết thương. “Nhiều người mất quá nhiều máu và đã chết…”- đôi mắt anh Trung đượm buồn.

 

Nhìn thấy nạn nhân nằm la liệt, rên la đau đớn, không ai có thể cầm lòng. Cảnh vật tan hoang. Nạn nhân mỗi người bị văng đi một nơi, toàn bộ chiếc xe khách bẹp dúm, mui xe bị phạt ngang.

 

Anh em công nhân nỗ lực chia nhau tỏa ra mọi hướng để tìm người còn sống mà cứu. Đưa được một nạn nhân xuống đường, nhóm cứu hộ phải vận dụng hết sức lực, người lả đi vì mệt.

 

Trút hơi thở cuối cùng trên tay người cứu hộ

 

“Mọi người chỉ cố gắng đưa người bị thương, người còn sống xuống khỏi vách núi càng nhanh càng tốt. Những người đã chết anh em đành chịu nhìn họ nằm đó chờ đội cứu hộ xuống. Thậm chí, lúc đưa các nạn nhân bị thương xuống cấp cứu mọi người phải cẩn thận từng bước chân sợ vấp phải những người đã chết nằm rải rác”- anh Thúy nói.
 
Đến giờ, anh Trung nhớ như in cô gái người Nga khoảng 24 tuổi bị thương rất nặng. Chân cô gái bị gãy, cổ chân hằn sâu một vết đứt và mất rất nhiều máu. “Đến khi dìu cô gái xuống núi được nửa đường thì cô ấy không còn thở nữa và chết ngay dưới tay mình…”.

 

Hành khách đi trên chuyến xe định mệnh, có 4 người, gồm ba cháu bé (một cháu 3 tuổi, một cháu 6 tuổi, một bé 12 tuổi) và một bà cụ là không bị thương tích gì. Còn lại tất cả những hành khách khác đều bị thương nặng hoặc chết tại chỗ.

 

Bé trai tên Shehin Alexander, 12 tuổi cùng đi trên chuyến xe kinh hoàng nói, em thoát chết nhờ người lớn che chở. Quả là một phép màu vì những đứa trẻ đi trên xe đều không hề hấn gì.

 

Anh Vũ Trường Giang kể lại chuyện người mẹ của cháu bé 3 tuổi: lúc các anh đến cứu và bế cháu bé xuống núi, người mẹ nhất định không đồng ý. Cũng may trong số các anh có người biết nói tiếng Anh nên đã trò chuyện với chị để đưa cháu bé xuống dưới an toàn. 

 

“Dù bị thương nặng nhưng chị ấy vẫn nhất quyết ôm đứa con mình trong tay như thể sợ người khác cướp mất. Chỉ đến khi anh em thuyết phục, chị mới đồng ý để chúng tôi mang cháu bé đi”- anh Giang cho biết.
 
Chuyện về những người nửa đêm lao xuống vực cứu hộ - 2

Chiếc xe bị nạn được đưa khỏi hiện trường (Ảnh: VietNamNet)

 

Anh Nguyễn Xuân Tùng vẫn không giấu nổi nỗi xúc động khi nhắc lại tai nạn khủng khiếp này: “Trước những mất mát quá to lớn, lúc ấy, tự dưng nước mắt tôi cứ tuôn ra lã chã”.

 

Anh Nguyễn Đăng Nam, một trong 3 công nhân trèo vào trong chiếc xe khách nằm dưới vực cho biết, khi tiếp cận hiện trường đã phát hiện 4 nạn nhân, trong đó có tài xế, 3 người nước ngoài. Một phụ nữ chết tại chỗ trong tình trạng cơ thể bị dập nát nhiều nơi. Nằm sát bên, anh thanh niên người Nga bị thương nặng ở đùi, mất nhiều máu nhưng vẫn còn cử động được.

 

“Thấy vậy, chúng tôi xé áo băng vết thương cầm máu cho anh ấy nhưng khoảng hơn chục phút sau, anh ngất lịm đi. Mọi người liền tìm đủ mọi cách có thể để cứu người từ hô hấp nhân tạo, ép ngực… nhưng anh ấy không qua khỏi”- anh Tùng nhớ lại. “Cảm giác bất lực, đau đớn vì mình không cứu được họ thật khó chịu nhưng chỉ biết cố gắng tìm những người bị thương khác”.

 

Các công nhân cho biết, nếu không có chiếc xe ôtô của anh Ngô Văn Hiệu, đại diện nhà thầu Toshiba (đơn vị thi công một số hạng mục Nhà máy Thủy điện Đại Ninh) chạy ngang qua và thấy người phụ nữ Nga kêu cứu, có lẽ toàn bộ hành khách đã không qua khỏi. “Nếu lúc đó không có xe ôtô của anh Hiệu chở du khách bị thương đi cấp cứu có lẽ không chỉ 10 người chết”- nhóm công nhân khẳng định.

 

18h50 xe ô tô gặp nạn, 19h40 phút công nhân hai nhà máy thủy điện chạy lên núi cứu người nhưng phải đến khoảng 22h30 phút, lực lượng công an huyện Bắc Bình và đội xe cấp cứu mới đến nơi xảy ra tai nạn...

 

Ngày 14/3 - một ngày sau khi tai nạn xảy ra - khu nhà tập thể của công nhân Nhà máy thủy điện Bắc Bình lại quay trở về với công việc thường nhật.

 

Ai được hỏi về sự việc tối thứ Sáu, ngày 13/3 cũng đều rùng mình vì đây là tai nạn nghiêm trọng nhất mà họ chứng kiến từ khi làm công nhân ở đây. Khi chúng tôi nhắc đến việc cứu hơn chục du khách khỏi tay tử thần, mọi người chỉ lắc đầu nói: “Ai ở vị trí tụi tôi lúc đó cũng sẽ sẵn sàng cứu người thôi”.

 

Đến giờ, tuyến đường xảy ra vụ tai nạn chưa được đặt tên. Nhưng theo lời các công nhân, một kỹ sư công tác tại Nhà máy Thủy điện Đại Ninh đã tự đặt cho con đèo nơi xảy ra vụ tai nạn là đèo Lò Xo. Cái tên dường như đã nói lên sự nguy hiểm của tuyến đường này. 

 

Cách nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng khoảng 10m, vào 3/2008 cũng đã từng có 2 vụ tai nạn giao thông thương tâm làm 5 người chết.

 

Theo lời kể của anh Vũ Thanh Tùng, lái xe ôm khu vực này, gần đây nhất là vụ tai nạn do xe tải và xe khách đụng nhau khiến 3 người chết. Trước đó không lâu, hai vợ chồng chở nhau khi tới khúc cua này, do không thuộc địa hình cũng đâm vào dải phân cách chết ngay tại chỗ.

 

Ngoài ra, theo những người dân sống trên tuyến đường “tử thần” này, từ khi con đường được trải nhựa, đã không ít vụ tai nạn xảy ra, lấy đi sinh mạng hàng chục người.

 

Đường có nhiều khúc cua rất nguy hiểm, biển báo lại bị che khuất bởi dây leo và cây cối.

 

Suốt đoạn đường từ ngã 3 Tài In (Đức Trọng, Lâm Đồng) đến nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, nhiều khúc cua gãy khúc, dốc cao rất nguy hiểm nhưng không hề được lắp đặt gương góc rộng để lái xe quan sát.

 

Theo VietNamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm