Bác sĩ kể chuyện những ngày cấp cứu nạn nhân Nga

(Dân trí) - Ngày 18/3, khi thi thể 9 nạn nhân Nga tử nạn được tập kết chờ chuyển về nước, các bác sĩ tại TPHCM mới thở phào nhẹ nhõm. Những ngày qua, họ đã quên ăn quên ngủ mong cứu tính mạng của những người bạn đến từ nước Nga xa xôi.

Bác sĩ kể chuyện những ngày cấp cứu nạn nhân Nga - 1
Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy
 
Phải thăm hỏi tận tình như người nhà

 

Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, là người chịu trách nhiệm chính trong công tác cứu chữa 14 nạn nhân Nga. Ngay khi nhận được tin báo của kíp trực cấp cứu, ông đã tức tốc quay về bệnh viện để nắm tình hình và chỉ đạo công tác cấp cứu dù không phải giờ trực của mình.

 

Ông cho biết: “Nếu nói khó khăn thì chỉ có trở ngại lớn nhất là tâm lý hoang mang cực độ của nạn nhân, còn về chuyên môn thì những ca trên đối với tập thể bác sĩ bệnh viện khá đơn giản. Vì họ là người nước ngoài đang đi du lịch, hầu hết chỉ mới đến Việt Nam lần đầu tiên, nay gặp tai nạn thảm khốc như thế ở một đất nước xa lạ thì hoang mang là chuyện bình thường”.

 

Do đó, khó khăn lớn nhất đặt ra cho bệnh viện chính là việc trấn an các nạn nhân. Bác sĩ Ái chia sẻ: “Nếu trong tình trạng đó mà bác sĩ chữa trị và nạn nhân bất đồng ngôn ngữ thì rất gay go. Vì nếu nạn nhân không hiểu và sẵn tâm lý hoang mang, họ sẽ lo sợ và co rút lại, đụng vào chỗ nào cũng đau làm sao thăm khám...”.

 

Rất may mắn, hay có thể nói là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho nguồn nhân lực chất lượng cao của bệnh viện, ngay trong khoa Cấp cứu đã có đến 2 bác sĩ biết tiếng Nga, bệnh viện cũng điều thêm vài bác sĩ biết tiếng Nga ở các khoa khác đến hỗ trợ công tác cấp cứu các nạn nhân này. 

 

Người chịu trách nhiệm chính trong việc cứu chữa là bác sĩ Ái cũng có 4 năm công tác tại Phòng khám đa khoa ngoại kiều (một cơ sở của bệnh viện Chợ Rẫy tại Vũng Tàu những năm 80 của thế kỷ trước), chuyên chữa trị cho các chuyên gia Liên Xô công tác tại đây. Nhờ đó, việc thăm khám, chẩn bệnh và trấn an nạn nhân diễn ra khá thuận lợi, nhanh chóng định bệnh và có phương án chữa trị hữu hiệu.

 

Riêng đối với hai nạn nhân nhỏ tuổi, các bác sĩ nhanh chóng nhận ra các em chỉ bị xây xát nhẹ, khó là phải ổn định tâm lý cho các em. Do đó, bệnh viện nhanh chóng bố trí một phòng “giữ trẻ” đặc biệt nhằm cách ly các em khỏi khung cảnh cấp cứu dễ gợi lại ký ức tai nạn kinh hoàng. Nhờ đó, các em nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

 

Bác sĩ Ái tâm sự: “Do họ rất hoảng loạn và sợ hãi, lại lạ người lạ cảnh nên người bác sĩ lúc này phải có tấm lòng như chăm sóc người thân, hỏi han tận tình để lấy lòng tin và tình cảm của họ. Từ đó mới có được sự hợp tác tốt để công tác chữa trị dễ dàng hơn”.

 

Chính cách làm chuyên nghiệp, chuyên môn cao và đội ngũ cán bộ giỏi đa dạng như thế đã khiến các chuyên gia cứu hộ Nga và cán bộ Đại sứ quán Nga theo dõi tiến trình cấp cứu hết sức khâm phục và khen ngợi.

 

Cấp cứu nạn nhân nước nào cũng không lo

 

Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ là bệnh viện hàng đầu cả nước, tập trung đông đảo đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, trình độ chuyên môn giỏi mà quy mô cũng lớn nhất nước. Chợ Rẫy lại là bệnh viện tuyến cuối nên thường xuyên phải tiếp nhận các ca cấp cứu hàng lọat. Vì vậy, bệnh viện đã có phương án ứng phó mọi tình huống xảy ra. 

 

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, khi nhận được tin báo sẽ chuyển nạn nhân vụ tai nạn tại đèo Đại Ninh đến, bệnh viện đã triển khai ngay phương án theo hoạch định nên không gặp khó khăn lớn nào, nhanh chóng cấp cứu kịp thời.

 

Bác sĩ Ái cho biết: “Khó khăn có chăng chỉ là khó khăn khách quan. Do bệnh viện hầu như luôn quá tải, mỗi ngày khoa cấp cứu phải tiếp từ 270 – 300 nạn nhân trong khi chỉ có 20 giường bệnh và 70 băng ca lưu động. Nạn nhân trong tai nạn này lại là người nước ngoài, họ quen được điều trị trong tình trạng y tế tốt nên công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho người bệnh mới là khó khăn”.

 

Khi nhận được tin, bệnh viện phải giải phóng hầu hết bệnh nhân khỏi khoa Cấp cứu, cho sang các khoa khác, bệnh nhân nào đỡ rồi thì cho xuất viện. Ngay sáng ngày 14/3 (ngày các nạn nhân Nga nhập viện), bệnh viện cũng nhận một trường hợp tai nạn hàng loạt tại Bình Dương với 6 nạn nhân. Do vậy, việc chuẩn bị mặt bằng tiếp nhận càng khó khăn hơn.

 

Tuy nhiên, nhờ đã có phương án từ trước nên bệnh viện nhanh chóng xử lý được tình hình. Theo bác sĩ Ái, khoa Cấp cứu đã có phương án sẵn để có thể cấp cứu cùng lúc đến trên dưới 100 nạn nhân. Các bác sĩ của khoa luôn trong tình trạng sẵn sàng huy động. Như trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007, mới nhận tin lúc 8h thì gần 8h30’, 20 xe cứu thương với đầy đủ y bác sĩ của bệnh viện đã xuất phát. 

 

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, các bác sĩ tại bệnh viện cũng được khuyến khích học nhiều ngoại ngữ. Các ngoại ngữ phổ biến như Anh, Pháp thì bác sĩ nào tại bệnh viện cũng biết. Các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Hàn, Nhật, Campuchia... cũng có nhiều bác sĩ am hiểu. Do vậy, ông Ái khẳng định: cấp cứu nạn nhân nước nào cũng không lo.

 

Tùng Nguyên