(Dân trí) - "Vận động bà con hiến đất, xét cho cùng là xin bà con. Bà con đồng thuận, hiến phần đất của mình thì chúng ta mới mở rộng đường, bộ mặt nông thôn mới thay đổi", ông Chu Văn Mai dốc lòng.
"Vận động bà con hiến đất, xét cho cùng là xin bà con. Bà con đồng thuận với chủ trương và hiến phần đất của mình thì chúng ta mới mở rộng, rồi bê tông hóa đường giao thông, từ đó, bộ mặt nông thôn mới thay đổi được", ông chủ tịch Chu Văn Mai dốc lòng.
Chuyện hàng chục hộ dân xã Nghi Ân (TP Vinh, Nghệ An) sẵn sàng hiến phần đất trị giá cả trăm triệu đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn gây "chấn động" làng ven đô bởi thời điểm này, giá đất vùn vụt tăng mỗi ngày.
Con đường hẹp, có đoạn thắt cổ chai, chỉ vừa một chiếc ô tô nhỏ chạy, quanh năm lầy lội từ xóm Hòa Hợp đến xóm Kim Tân (xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An) đã được "hô biến" hoàn toàn trong vòng 2 tháng. Đường phẳng lì, rộng 8m, dài 420m vừa "khánh thành" vào trước Tết Nguyên đán. "Chỉ riêng phần giá trị rải thảm đường là hơn 2 tỷ đồng. Còn về giá trị đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp người dân hiến để mở rộng đường thì không thể tính toán được", ông Chu Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân dẫn chúng tôi đi tham quan con đường "khơi thông" phong trào hiến đất làm giao thông nông thôn của xã, nói.
Con đường thẳng tắp, nối 2 làng Kim Tân - Hòa Hợp của xã Nghi Ân, hai làn xe tránh nhau thoải mái. Gia đình ông Nguyễn Duy Mậu (SN 1947) ngay đầu đường, một phần vườn đang nham nhở, bụi tre bị trốc một nửa, tường bao cũng chưa kịp xây lại. Ông Mậu đã hiến 1,2m chiều ngang, dài 38m phần đất ở của gia đình, tính ra là hơn 45m2, đồng nghĩa với việc phá toàn bộ tường rào phía sau nhà và 70m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường. "Giá đất bây giờ là 9 triệu đồng/m2, 45m2 khoảng 400 triệu đồng. Nhưng thôi, đã hiến làm đường rồi, bỏ qua, không tính nữa!", ông Mậu nói nhẹ tênh như thế.
Thời buổi "tấc đất, tấc vàng", việc ông Mậu hiến cả phần đất trị giá cả mấy trăm triệu đồng khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ. Nhưng ông kiên định với quyết định của mình, và may mắn có gia đình, đặc biệt là người con trai cả động viên, cổ vũ. "Tôi nói với họ, tôi già rồi, chết cũng không mang đất đi được. Mình hiến đất làm đường chẳng thiệt thòi gì đâu, cho con cháu mình, cho dân làng đi trên con đường rộng rãi, sạch sẽ, an toàn, là được nhiều lắm chứ. Tôi góp đất làm đường vì thấy cần phải như thế chứ chẳng phải để làm gương cho ai hay để được tuyên dương đâu".
Ông Mậu vẫn thấy "ấm ức" khi chính chủ tịch xã trong cuộc họp đã đứng lên thẳng thắn mà xin đất người dân. "Đường là dân chúng tôi đi, con cháu chúng tôi đi, ông chủ tịch xã có ở đây, có đi đường này đâu mà xin đất chúng tôi. Chủ tịch xin đất, nói thật tôi thấy tổn thọ lắm!".
Nghe người dân "tố", Chủ tịch Chu Văn Mai cười xòa: "Hôm ấy họp người dân để thông qua chủ trương làm đường giao thông nông thôn, tôi nói: "Chính quyền vận động bà con hiến đất, nói cho cùng là xin bà con nhường lại một phần đất của mình. Bà con nhân dân có đồng thuận với chủ trương của Đảng ủy, của chính quyền xã, có ủng hộ, có hiến đất của nhà mình thì chúng ta mới mở rộng, rồi bê tông hóa đường giao thông, từ đó, bộ mặt nông thôn mới thay đổi được".
Con đường cũ cắt ngang, chia diện tích đất ở của gia đình anh Nguyễn Ngọc Huy (SN 1989, trú xóm Hòa Hợp) thành 2, một bên là nhà, một bên là trang trại chăn nuôi. Khi mở rộng đường, đương nhiên sẽ cần cả hai phần đất của gia đình anh Huy, tính ra cũng ngót nghét 200m2, chưa kể tường rào, một phần trang trại và kho. "Đập, đập hết, rồi lùi vào trong, xây lại", Huy quả quyết.
Là một người làm kinh tế, Huy hiểu hơn ai hết hiệu quả của việc giao thương đi lại. Hồi năm ngoái, trận lụt xảy ra, cả trang trại gà mấy nghìn con của Huy phải di dời khẩn cấp mà đường sá thì nhỏ, xe cộ không thể quay đầu. Rồi mỗi lần xe chở thức ăn, xe đến thu mua gà đậu choán hết đường, nhiều người không nói ra nhưng khó chịu bởi giao thông ách tắc. Nay nhìn con đường rộng rãi, phẳng lỳ trước mặt, Huy cười: "Nay thì hai ô tô tải tránh nhau cũng vô tư, mình nhận thức ăn hay xuất hàng đi cũng thoải mái, thuận lợi, mà không lo ảnh hưởng đến bà con đi lại. Xét lâu dài là lãi lớn chứ chẳng thua thiệt đâu".
Thực ra, không phải ngay từ đầu tất cả người dân đều đồng thuận với việc hiến đất mở đường, dù chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động, tổ chức các cuộc họp thông tin về chủ trương này. Theo kế hoạch, ngày 13/11 các đơn vị sẽ đóng cọc mốc, san ủi, giải phóng mặt bằng. Ông Chu Văn Mai vẫn nhớ như in: "Hôm đó là thứ 7, sau khi phân công anh em làm, tôi phải về quê có việc gia đình. Trên đường đi, tôi nhận được điện thoại báo anh em đang thi công thì bị người dân cầm dao ra ngăn cản nên tức tốc quay xe trở lại".
Ông Phạm Văn Hiến (SN 1961) chính là người đàn ông "cầm dao" đình chỉ thi công đường. Việc mở rộng đường "lạm" vào gần 100m2 đất ruộng của gia đình ông Hiến, nội dung này vợ ông đi họp và nhất trí rồi nhưng ông thì "chưa thông". "Tôi đi chặt cây về ngang qua, thấy người ta san ủi ruộng của mình, tay đang cầm con dao nên vung lên, yêu cầu dừng thi công để làm cho rõ ràng", ông Hiến kể.
Ngày hôm sau, ông cùng tất cả gia đình có đất liên quan đến việc mở đường được mời dự cuộc họp, dưới sự chủ trì của ông Chủ tịch xã Chu Văn Mai. Ông Mai giải thích thêm một lần nữa về chủ trương, hiệu quả của việc mở rộng đường. Xi măng đã được nhà nước hỗ trợ, mong người dân ủng hộ, tham gia vào chủ trương lớn này bằng cách nhường lại một phần đất của mình. Nếu được người dân ủng hộ, chia sẻ, ông Mai cam đoan chỉ trong vòng 2 tháng là hoàn thành con đường, để vào dịp Tết Nguyên đán, bà con nhân dân có đường mới rộng rãi, sạch đẹp đi lại. Giải thích xong, ông Mai mời ông Hiến phát biểu đầu tiên. "Nếu đúng như ông Chủ tịch xã nói thì chúng tôi ủng hộ thôi. Dù nhà tôi chả mấy khi đi đường đó, nhưng nếu đẹp làng, đẹp xóm, bà con nhân dân đi lại thuận tiện thì tôi nhất trí. Đường làm xong rồi, to, đẹp, đúng như ông Chủ tịch hứa, thấy sướng lắm. Giờ mà có đường đi qua vườn, tôi cũng sẵn sàng cắt đất, cắt vườn", ông Hiến hào sảng kể.
Đúng như ông Chủ tịch xã cam kết, chủ nhật họp, nhân dân đồng tình ủng hộ thì trong vòng 2 ngày tiếp theo, phần mặt bằng để làm đường đã giải phóng xong. 14 hộ dân tự tay người dân đập bờ rào, tháo dỡ chuồng trại, gặt lúa "non" để nhường đất làm đường. 2 tháng sau, ngày 2/1/2022, con đường mới đã hoàn thành, thẳng tắp, phẳng lì. "Đây là con đường "khơi thông" chủ trương mở rộng giao thông nông thôn trên toàn xã", ông Chủ tịch xã hồ hởi khoe.
Từ đây, phong trào hiến đất làm đường bắt đầu lan nhanh trong xã. Tại các tuyến đường khác, người dân hai bên sẵn sàng nhường một phần đất ruộng, đất trồng màu, đất lúa để mở đường. Những con đường 3-4m, nay đã được cắm mốc, san ủi, mở rộng ra 8m, đổ vật liệu sẵn sàng. Ông Nguyễn Quang Huy (SN 1957) vác cuốc ra thửa ruộng trước ngõ vun lại mấy gốc lạc. Ruộng màu của ông nằm trên đường nối đường Thanh Niên ra Quốc lộ 46, sắp thi công. "Không chỉ hiến một phần đất ở đây mà bác Huy còn hiến hơn nửa sào ở thửa ruộng khác, tổng diện tích là gần 500m2", ông chủ tịch giới thiệu. Nghe vậy, ông Huy ngừng nhát cuốc, cười: "Đã hiến rồi là không tiếc nữa. Làng ta trồng hoa, quanh năm xe cộ ra vô tấp nập để mua, bán. Có con đường rộng rãi, buôn bán, vận chuyển thuận lợi, mùa mưa không lầy lội, lấm lem là mơ ước lâu rồi, nay sắp trở thành hiện thực. Hiến đất làm đường thì mình, con cháu mình, nhân dân hai bên đường hưởng lợi chứ thiệt đi đằng nào mà tiếc".
Toàn tuyến đường này có chiều dài 1.400m đi qua 3 xóm: Kim Chi, Kim Liên và Kim Phúc, nối sang xã Nghi Trung (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Trong đó có gần 50 hộ dân hiến đất ruộng, hàng chục hộ dân hiến đất vườn, đất ở với tổng diện tích lên tới 2.000m2.
Hiện Nghi Ân đang huy động sự vào cuộc các tổ chức chính trị, đoàn thể cùng người dân để hoàn thành kế hoạch mở rộng hệ thống giao thông nông thôn. Đó sẽ là một điều kiện để địa phương thực hiện mục tiêu trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, không phải tất cả người dân đều đồng thuận, ủng hộ. Hiện vẫn còn một số tuyến đường đang có khúc mắc, người dân yêu cầu phải có bồi thường nếu lấy đất làm đường, dù rằng, diện tích không lớn. "Phải tiếp tục kiên trì vận động thôi. Người dân chưa hiểu, chưa ủng hộ thì phải giải thích cho người dân hiểu. Quan trọng nhất là phải làm người dân tin. Đã hứa với dân thì phải làm và làm đúng như thế, quan trọng nhất là phải minh bạch, từ chủ trương đến thực hiện. Làm cho người dân tin thì người dân mới đồng thuận, ủng hộ. Minh chứng rõ ràng nhất của công tác dân vận là trên tuyến đường đi qua xóm Kim Chi, hộ dân cuối cùng đã đồng ý nhường một phần đất ruộng để mở rộng đường", ông Chu Văn Mai đúc kết.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên