1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện những phạm nhân thoát án tử hình

Bị kết án tử hình vì phạm tội đặc biệt nghiêm trọng song nhờ thành khẩn, họ được ân xá và cơ hội trở về với cuộc sống đời thường của họ dù còn xa nhưng đã hé mở.

Tâm niệm hoàn lương của tên cướp tiệm vàng bằng súng

 

Nếu không được Trung tá Bùi Quang Sáng, Đội trưởng đội giáo dục trại giam Nam Hà thông báo, tôi không nghĩ kẻ cướp tiệm vàng có vũ khí, từng gây xôn xao dư luận đang cải tạo tại đây. Khuôn mặt lanh lợi, dáng người nhỏ thó, trông Nguyễn Mạnh Cường chẳng giống với hình dung của tôi về một tên cướp. Năm 1991, khi đó Cường đang là học sinh lớp 12 nhưng đã cùng đồng bọn đi cướp và làm bốn cán bộ Công an Nam Định bị thương nặng.

 

Cường kể, quê cậu ta ở Thái Bình, từ nhỏ đã được bố mẹ chiều chuộng đâm hư hỏng. Những người được Cường kết bạn nếu gia đình không giàu có thì tính nết cũng phải ngang bướng, bất cần. Đang là học sinh nhưng tai tiếng về Cường đều làm những đứa trẻ trong thị xã phải tránh xa.

 

Việc mang súng, lựu đạn cùng đồng bọn gây ra vụ cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ, thành phố Nam Định là kết cục tất yếu của chuỗi ngày hư hỏng, không được gia đình uốn nắm kịp thời. Trong số bốn tên cướp, kẻ cầm đầu bị bắn chết tại trận, hai tên khác là Cường và Bình bị bắt ngay sau đó, duy chỉ có một tên lẩn trốn, hiện chưa bắt được.

 

Bị kết án tử hình, những ngày trong trại tạm giam công an tỉnh Nam Định với Cường là một khoảng thời gian không thể nào quên. Cường kể: “Ngày ấy còn “hăng tiết vịt”, nghĩ đằng nào cũng chết nên chỉ tìm cách quậy phá. Hễ có dịp gặp các phạm nhân khác là em tìm cách gây sự, đánh nhau. Thậm chí khi đã một mình một buồng, em cũng không chịu yên, đêm đêm thường hát rống lên rồi chửi đổng những người xung quanh. Gần hai tháng trời lồng lộn như con thú hoang bị nhốt, tính "yêng hùng" của em cũng dần chùng xuống khi hàng ngày chỉ có người đưa cơm gọi tên em, chốc lát mở cửa rồi khóa lại.

 
Chuyện những phạm nhân thoát án tử hình  - 1

Nguyễn Mạnh Cường kể lại những ngày gây án.

Mỗi lần hé mắt qua song sắt, thấy những chiếc lá non trong mảnh vườn trước mặt đung đưa trước gió, em cảm tưởng như bàn tay của cuộc sống đang vẫy gọi mình. Em bỗng thèm được sống và chợt nghĩ biết đâu vẫn còn cơ hội. Vậy là em xin khai lại, khai tất những gì còn giấu diếm và cơ hội được sống đã đến với em.

 

Suốt đời này, em làm sao có thể quên được thời khắc đó. Khi nghe cán bộ gọi ra khỏi buồng, đọc quyết định ân xá của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, em mừng đến nỗi chẳng biết mình đang khóc hay cười. Đó là ngày 10/12/1992, cũng là thời điểm em được lên trại Nam Hà thi hành án”.

 

Ứa nước mắt khi nhớ lại chuyện xưa, Cường tâm sự: “Từ ngày được cơ hội sống, em nghĩ đời mình còn “son” lắm, phải đoạt tuyệt với quá khứ mới trở thành người được. Chỉ có cải tạo tốt, lao động miệt mài là con đường duy nhất ngắn cho em thực hiện ước mơ trở về với gia đình”.

 

Gần 18 năm cải tạo, kẻ từng là kẻ cướp này luôn chấp hành tốt nội qui của trại, được xét giảm án hai lần trong đó dấu ấn quan trọng nhất là lần được giảm từ án chung thân xuống còn 20 năm. Cường bảo còn 22 tháng 7 ngày nữa là mãn hạn tù, sẽ cố học tốt nghề khâu bóng để khi trở về sẽ lập nghiệp bằng công việc đó.

 

Tên giết người mong được hành nghề bốc thuốc

 

Chỉ vì cãi chửi nhau, trong cơn say rượu, Lâm Văn Cương, 33 tuổi, quê ở Phấn Mễ, Phú Lương, Thái Nguyên đã gây nên cái chết oan uổng cho bạn nhậu. Bị kết án tử hình, Cương vô cùng ân hận, lúc nào cũng xin cán bộ được chết sớm cho đỡ bị ám ảnh. Như một duyên may, gần hai năm sau, Cương được ân xá và kẻ giết người đã không bỏ phí cơ hội để có ngày trở về.

Chuyện những phạm nhân thoát án tử hình  - 2
 
Cương cùng các tù nhân khác đang chăm sóc cho những luống rau.

Được phân về phân trại I của trại giam Nam Hà cải tạo, sống giữa những kẻ có tiền án dài, nhiều tiền án tiền sự nhưng Cương rất “biết thân, biết phận”, không bao giờ vi phạm nội qui. Có lẽ bài học ngoài đời đã quá đắt giá nên Cương chẳng bao giờ nổi nóng cả những khi bị gây sự, kích bác. Cương tâm sự: “Vào đây mỗi người mỗi cảnh, mình may mắn được thoát án tử hình rồi phải nghĩ không có cơ hội lần hai. Từ ngày vào đây em luôn quyết tâm cải tạo tốt, năm nào cũng được xếp loại khá đấy”.

 

Nói đến Cương, Trung Tá Phạm Đình Cánh, giám thị phân trại I bảo: đây là phạm nhân có thân nhân tốt, có ý thức chấp hành tốt các nội qui, từ khi vào trại đã được 4 lần giảm án trong đó năm 2004, được giảm từ án chung thân xuống án có thời hạn. Hiện Cương đã cải tạo được 13 năm, nếu cứ phấn đấu tốt thì chỉ một vài năm nữa là được ra tù.

 

Cha mẹ Cương làm nghề đông y, trước đây, phạm nhân này từng phụ cha mẹ trong việc bốc thuốc cho bệnh nhân. Khi được hỏi sau này ra tù sẽ làm gì, ngập ngừng một lát, Cương bảo sẽ nối nghiệp cha, chữa bệnh cho người coi như một cách trả nợ nhân gian.

 

Nhìn kẻ giết người chăm chút luống rau, trung tá Cảnh nói: “Sau vấp ngã người ta trưởng thành hơn. Với những kẻ thoát án tử hình có lẽ cuộc sống là của cải lớn nhất nên khi có cơ hội là quyết tâm phục thiện để mong ngày quay về gia đình”.

 

Theo Thu Trinh
Báo Đất Việt