(Dân trí) - Trung đoàn 375 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an) là đơn vị duy nhất của lực lượng Công an nhân dân, vinh dự được giao trọng trách "giữ yên giấc ngủ" cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Cứu, cứu với..."
Tiếng hét thất thanh vang lên giữa khu vực Quảng trường Ba Đình trong buổi chiều hè oi ả.
Cách đó chừng 100m, Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên, nguyên chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 1, Trung đoàn 375 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an), lập tức lao tới. Thời gian mà người lính Cảnh vệ này giành giật sự sống cho người đàn ông trung tuổi được tính bằng giây.
Chiều 28/5/2022, nhận nhiệm vụ canh gác khu vực cột cờ phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên đang tập trung quan sát, bảo đảm an ninh khu vực bảo vệ thì nghe thấy tiếng kêu cứu.
Đánh mắt về nơi phát ra tiếng tri hô, Trung sĩ Nguyên phát hiện người đàn ông đang nằm gục ở khu vực vỉa hè phía Nam đường Hùng Vương. Nhận thấy có sự bất thường, anh Nguyên chạy lại, đồng thời báo cáo Trung tâm chỉ huy an ninh Trung đoàn 375 đề nghị tăng cường hỗ trợ y tế.
"Đó là một gia đình 4 người. Người đàn ông co giật mạnh, miệng chảy máu. Chị vợ thì lo lắng khóc lớn và liên tục kêu cứu. Bên cạnh là 2 cô con gái nhỏ cũng đang rất hoảng sợ", Trung sĩ Nguyên nhớ về khoảnh khắc lúc đó. Người lên cơn co giật là anh D.T.Q. (42 tuổi).
Không chút chần chừ, anh Nguyên đã vận dụng kỹ năng cấp cứu cho người bị co giật, tai biến, đột quỵ đã được huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, nhanh chóng đưa ngón tay của mình vào miệng anh Q. để ngăn anh không cắn vào lưỡi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Lúc cho tay vào miệng anh Q., tôi không ngờ rằng lực cắn của người ở trạng thái co giật lại mạnh đến vậy" -Trung sĩ Nguyên kể.
Một phút là quãng thời gian mà Trung sĩ của Trung đoàn 375 giành giật lại sự sống cho người khách 42 tuổi. Trong giây phút sinh tử đó, mặc cho vết thương trên ngón tay đang chảy máu, Trung sĩ Nguyên cùng đồng đội quay sang trấn an, động viên người thân của anh Q.
Khi anh Q. được đưa đi cấp cứu cũng là lúc Trung sĩ Nguyên được đồng đội đưa vào bệnh viện để xử lý vết cắn trên ngón tay.
Cứu người không chút đắn đo bởi vì anh luôn xác định đó là trách nhiệm của người chiến sĩ CAND, song Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên cũng rất hạnh phúc khi nhận những lời cảm ơn của gia đình anh Q.
Việc làm hết lòng vì nhân dân của Trung sĩ Nguyên cũng đã được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ biểu dương, khen thưởng.
Trong lúc đó, mạng xã hội đã lan tỏa, chia sẻ hành động nghĩa cử cao đẹp của Trung sĩ Nguyên cùng đồng đội, đi kèm vô vàn những lời tán dương, khen ngợi về sự nhạy bén, kỹ năng xử lý khoa học, kịp thời và trách nhiệm, hết lòng vì nhân dân phục vụ của người chiến sĩ Trung đoàn 375 nói riêng, người chiến sĩ Cảnh vệ CAND nói chung.
Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống mà các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 375 đã kịp thời xử lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ngược dòng thời gian, vào năm 2000, Đại úy Phạm Văn Miên, khi đó là chiến sĩ thuộc Đại đội 1 - Trung đoàn 375, đang làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, bằng cảm quan nhạy bén và các biện pháp nghiệp vụ, đã phát hiện một đối tượng có biểu hiện bất thường, trên vai đeo túi đang tiến vào khu vực mục tiêu bảo vệ.
Nhận thấy có dấu hiệu nguy hiểm, anh Miên đã báo cáo Chỉ huy trực, đồng thời phối hợp cùng đồng đội trong ca trực nhanh chóng tiếp cận đối tượng và tiến hành kiểm tra chiếc túi. Những thứ bên trong túi khiến Đại úy Miên bất ngờ bởi đó đều là những vật dụng gây nổ nguy hiểm.
Ngay lập tức, Đại úy Miên cùng đồng đội khống chế đối tượng, báo cáo Trung tâm chỉ huy an ninh xin tăng cường lực lượng hỗ trợ. Sau đó, đối tượng được bàn giao cho Công an phường Điện Biên - quận Ba Đình để điều tra làm rõ.
Theo anh Miên, khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình là trái tim của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, nếu để xảy ra vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại khu vực này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của quốc gia, dân tộc và tình hình an ninh chính trị của đất nước.
Đại úy Miên sau đó đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc và Bằng khen; đồng thời được thăng quân hàm vượt cấp.
Trong hơn 20 năm công tác tại Trung đoàn 375, Đại úy Miên cùng đồng đội xử lý, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, góp phần bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn tại khu vực mục tiêu bảo vệ.
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Trung đoàn 375 còn được giao nhiệm vụ tổ chức đón tiếp, hướng dẫn nhân dân trong nước và khách nước ngoài vào Lăng viếng Bác, thay mặt Bác tiếp khách khi Người đã đi xa.
6h hàng ngày, Thượng úy Đỗ Thanh Giang (cán bộ Ban Tổ chức lễ viếng, Trung đoàn 375) khoác lên mình bộ áo dài thướt tha, có mặt tại Trạm kiểm soát an ninh lối vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị cùng đồng đội thực hiện những nhiệm vụ tưởng như rất đơn giản nhưng lại vô cùng thiêng liêng, quan trọng.
7h30, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa đón đồng bào, Thượng úy Giang và đồng đội vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát an ninh, vừa hướng dẫn người dân vào viếng Bác và tham quan Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình.
Nhiệm vụ kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ liên tục, rất căng thẳng bởi sự tập trung luôn phải đặt ở mức cao độ. Những ngày lễ hay cuối tuần, Thượng úy Giang cùng đồng đội phải kiểm tra, hướng dẫn, đón tiếp hàng chục nghìn lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù nắng hay mưa, rét buốt hay nóng bức, Thượng úy Giang và các cán bộ Trung đoàn 375 chưa bao giờ bộc lộ sự mệt mỏi, thiếu tập trung mà luôn niềm nở, thân thiện, nhiệt tình khi thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn bất kể vị khách nào, từ những đồng bào thân thương, đến khách nước ngoài khó tính hay thậm chí là nguyên thủ quốc gia.
Những "cảnh vệ của Bác" hiểu được rằng, phải luôn để lại được ấn tượng, hình ảnh đẹp, mẫu mực, trung thành về người chiến sĩ công an bên Lăng Bác trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
"Lời cảm ơn, cái ôm, bắt tay thấm đượm tình cảm của những vị khách viếng Lăng Bác dành cho tôi và đồng đội chính là niềm cổ vũ, động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi không ngừng nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng được lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tin tưởng giao phó", Thượng úy Giang chia sẻ.
Quá trình làm nhiệm vụ, không ít lần, Thượng úy Giang cùng đồng đội kịp thời phát hiện và xử lý khéo léo nhiều trường hợp khách viếng mang theo những vật dụng trái quy định tại khu vực bảo vệ, vừa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn mục tiêu bảo vệ xong vẫn giúp những vị khách hiểu, vui vẻ, tự nguyện thực hiện theo quy định
Mỗi lần mở cuốn sổ ghi cảm tưởng của khách vào Lăng viếng Bác, Thượng úy Giang và đồng đội lại như được tiếp thêm động lực, niềm vui, hạnh phúc.
Được thành lập từ ngày 28/3/1975, đến nay, Trung đoàn 375 đã trải qua 49 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "giữ yên giấc ngủ cho Người".
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã Quyết nghị "Với tấm lòng kính yêu và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người".
Ngày 2/9/1973, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Bác và Công trình Lăng, ngày 20/2/1975, Bộ Công an đã ra Chỉ thị số 157, giao Cục Cảnh sát bảo vệ thành lập một đơn vị để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Đến ngày 28/3/1975, Tiểu đoàn 75 trực thuộc Cục Cảnh sát Bảo vệ, tiền thân của Trung đoàn 375 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, chính thức được thành lập với quân số 650 cán bộ chiến sĩ.
Tiểu đoàn 75 khi đó được giao nhiệm vụ vinh dự là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn đồng bào và khách nước ngoài vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến tháng 7/1975, Tiểu đoàn 75 được đổi tên thành Đoàn 375 trực thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ. Tháng 9/1988, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quyết định chuyển Đoàn 375 thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ sang trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Bốn năm sau, Đoàn 375 đổi tên thành Trung đoàn 375.
"Từ những ngày đầu thành lập, Đoàn 375 gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất.
Song được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, nhân dân địa phương... cán bộ, chiến sĩ Đoàn 375 luôn quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu trong từng thời kỳ trong việc tổ chức đón tiếp, phục vụ lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh", Đại tá Trịnh Công Rụy (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 375) cho biết.
Đến nay, ngoài nhiệm vụ bảo vệ Lăng Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình, tiếp đón hướng dẫn đồng bào, khách du lịch viếng thăm Bác, Trung đoàn 375 còn được giao trọng trách mô tô hộ tống, tiêu binh danh dự danh dự và bảo vệ đoàn nguyên thủ các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam, các Đại sứ trình Quốc thư; bảo vệ Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (số 1 Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội).
Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 375 cũng tham gia gác danh dự các cuộc tiếp khách của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; bảo đảm an ninh, trật tự Quảng trường Bắc Sơn...
Với yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt quan trọng như vậy, tổ chức bộ máy của Trung đoàn 375 có sự thay đổi nhiều so với khi mới thành lập, gồm 4 ban và 3 đại đội trực thuộc.
Trong đó, khu vực bảo vệ của Trung đoàn nằm hoàn toàn ở khu vực Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình - khu vực trọng yếu về an ninh quốc gia, trong đó có các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Quốc hội làm việc.
Đây là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện trọng đại mang tính quốc gia và quốc tế, cũng là nơi các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tổ chức nhiều hoạt động.
"Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, khu vực bảo vệ của đơn vị luôn là mục tiêu các thế lực thù địch, phản động, khủng bố tìm cách xâm nhập, tập trung tiến hành các hoạt động thu tin bí mật, tấn công phá hoại, ám hại đối tượng cảnh vệ gây tổn hại đến an ninh quốc gia...
Vì vậy, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu vực, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3735 tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ, không cho phép một giây phút lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng ngăn chặn giải quyết kịp thời những tình huống có thể xảy ra", Đại tá Rụy chia sẻ.
Bên cạnh đó, do tính chất nhiệm vụ, công tác tổ chức đón tiếp, hướng dẫn cho đồng bào và khách nước ngoài vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi người chiến sĩ cảnh vệ CAND không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ mà còn phải có phong thái lịch thiệp khi đón tiếp, hướng dẫn nhân dân trong nước và khách nước ngoài đến tham quan khu vực và vào Lăng viếng Bác.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ cần phải chuẩn bị tốt các phương án, dụng cụ sơ cứu và cấp cứu người khi có yêu cầu; chủ động kiểm tra, kiểm soát, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khu vực mục tiêu bảo vệ; đặc biệt phải luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bất kỳ tình huống nào.
"Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chắc tay súng, giữ bình yên đất thiêng Ba Đình, giữ bình yên giấc ngủ của Người", Đại tá Trịnh Công Rụy nhấn mạnh.