1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện nghề của những nữ nhân viên gác chắn đường sắt

(Dân trí) - Trong ngành đường sắt, công việc gác chắn đường tàu không được mấy người lựa chọn, bởi sự đơn điệu của công việc và nguồn thu nhập ít ỏi. Nhìn qua, hầu hết mọi người sẽ cho rằng đây là một công việc đơn giản và nhàn nhã, nhưng thực tế ẩn sau đó là những nhọc nhằn và trách nhiệm nặng nề mà ít ai hiểu được.

Chuyện nghề của những nữ nhân viên gác chắn đường sắt - 1
Chuyện nghề của những nữ nhân viên gác chắn đường sắt - 2

Niềm vui của những công nhân gác chắn đường sắt để giữ bình yên cho những chuyến tàu và cho người qua lại.

Lấy an toàn cửa người khác làm niềm vui

“Có những lúc tôi muốn xin chuyển công tác nhưng rồi lại nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp, nên lại quay lại với công việc mà mình đã gắn bó từ lâu. Công việc cũng khó khăn về cuộc sống nhưng lại đem lại cho mình niềm vui, bây giờ công việc trở thành một thói quen không thể bỏ được, cứ nhìn thấy mọi người an toàn mỗi khi qua đường sắt vậy là thấy vui rồi”, đó là tâm sự của chị Hương, người đã đã có 7 năm làm công việc gắc chắn đường sắt.

Hàng ngày, người trực chắn tàu phải nghe điện thoại, nghe báo tàu chạy ở hai đầu khu trung gian, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và kéo giàn chắn để đảm bảo cho những chuyến tàu vượt qua không có chướng ngại nào.

Công việc chỉ vọn vẹn đôi ba phút và cứ thế lặp đi lặp lại suốt 12 tiếng trực theo lịch tàu chạy, bất kể nắng hay mưa, bất kể ngày nghỉ, lễ Tết…

Chuyện nghề của những nữ nhân viên gác chắn đường sắt - 3
Chuyện nghề của những nữ nhân viên gác chắn đường sắt - 4

Nữ gác chắn tiến hành đóng mở barie để đảm bảo an toàn cho mọi người khi tàu đến.

Gần chục năm trong nghề, quãng thời gian đủ để chị Hương nếm trải nỗi vất vả của công việc mà mình gắn bó. Mỗi ngày, đón tiếp hàng chục chuyến tàu hàng lẫn tàu khách, chị chăm chỉ làm tốt phần việc của mình, cũng chẳng có thời gian để buồn.

Vì sự an toàn của người khác, đôi khi những nhân viên gác chắn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập.

Những “bông hồng” gác chắn tàu.

“Ở đây, người dân qua lại đông, mỗi khi tàu sắp tới, chúng tôi kéo rào chắn ra nhưng nhiều người vẫn cố tình chui qua. Mình không né kịp là bị họ đâm xe vào ngay hoặc xe cố tình đâm vào rào chắn. Một số người không hiểu còn cãi lại, chửi bới khiến chúng tôi nhiều khi rất buồn.

Khi tàu đi qua, kéo rào chắn vào hai bên đường, mọi người lại vội vã chạy xe, sợ lắm. Có khi người say rượu tự ý mở chắn băng qua hay ban đêm có người gõ cửa quấy phá”, chị Đào buồn bã chia sẻ về công việc của mình.

Chuyện nghề của những nữ nhân viên gác chắn đường sắt - 5
Chuyện nghề của những nữ nhân viên gác chắn đường sắt - 6

Nhân viên gác chăn tàu nghe điện thoại, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến trong cuốn sổ nhật ký thường trực.

Đối với những người như chị Đào và chị Hương thì khoảng thời gian đáng sợ nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về, vì đặc thù công việc, nên càng vào giai đoạn này, thì công việc của họ càng bận rộn hơn. Quê thì ở xa, người thân thì không thể ở cạnh, nhiều lúc chỉ biết ngồi trong căn phòng nhỏ nhìn ra mà trong lòng lại tràn trề nỗi buồn.

Hơn 7 năm ròng rã, làm xuyên ngày, xuyên đêm, bất chấp mưa rét, nắng chói chang hay bão bùng luôn phải bám sát đường ray, thanh chắn… Nhưng lương của chị Hương cũng chỉ ở mức bậc 2, vẻn vẹn hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Những ngày lễ Tết có thêm chút tiền thưởng nhưng cũng không nhiều.

Chị Đào tâm sự: “Vào đêm giao thừa thấy mọi người đi qua gác chắn, cười nói vui vẻ, hay giữa những ồn ào, tấp nập nơi phố xá mình cũng chạnh lòng lắm. Nhưng rồi chồng và gia đình an ủi động viên nhiều nên cũng đỡ hơn, cố gắng hoàn thành công việc thật tốt để trở về quây quần bên gia đình và người thân”.

“Nhiều năm không được về đón Tết cùng chồng con, tôi đã nhiều lần rơi nước mắt. Chồng tôi thấu hiểu điều đó và rất thông cảm, anh động viên tôi hết ca trực thì về chồng bù đắp cho nên cũng cảm thấy đỡ tủi thân”, chọ Đào chia sẻ.

Đối với những người vợ, người mẹ làm công việc gác chắn đường tàu, một đêm giao thừa không ở cùng người thân có lẽ không phải chuyện xa lạ. Nhưng một khi đã gắn bó với nghề, dù vất vả mấy các chị cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì an toàn cho mỗi chuyến tàu.

Thuỷ Tiên